Hà Nội đã bước sang tuần thứ 4 thực hiện giãn cách xã hội nhưng giá thực phẩm online vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt các mặt hàng trứng, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản…còn tăng chóng mặt dù nguồn cung vẫn đảm bảo.
Báo Lao động đưa tin, theo chị Nguyễn Diệu Linh (B10 Đồng Xa, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá thịt lợn loại ngon trước giãn cách bán 160.000 đồng/kg thì nay lên 190.000-200.000 đồng/kg. Các loại rau cũng đều tăng giá.
Còn theo chị Nguyễn Thị Hiện (253 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội) thông tin: “Trước tôi mua cá trắm to loại cắt khúc giá chỉ 90.000 đồng/kg, thì nay giá đã 110.000-120.000 đồng/kg”.
Chị Lan (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết: “Gà ta nguyên lông trước dịch giá 120.000 đồng/kg thì nay tăng lên 150.000 đồng/kg. Thịt lợn có giá 150.000-180.000 đồng/kg. Rau muống từ 7.000 đồng tăng lên 10.000 đồng/mớ. Tăng giá cao nhất là các loại hành lá, từ 25.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg. Cà chua từ 20.000 đồng tăng lên 30.000-40.000 đồng/kg tùy loại”.
Thực phẩm online "tăng phi mã" giữa thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội. |
Chị Nguyễn Thị Khảm (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, do tình hình dịch bệnh tại Hà Nội diễn biến phức tạp nên chị không dám đi siêu thị, thậm chí cả chợ truyền thống để hạn chế tập trung đông người. Do đó, chị đặt mua qua mạng nhưng giá nhiều mặt hàng tăng cao. Trong các mặt hàng, trứng gà, cá và hải sản tăng giá mạnh nhất.
Lúc trước khi giãn cách, trứng gà ta chị Khảm mua khoảng 28.000 đồng một vỉ 10 trứng, nay lên 55.000 đồng; cá diêu hồng từ 60.000 đồng lên 120.000 đồng, tức tăng gấp đôi; gà ta cũng từ 110.000 đồng một kg nay lên 190.000 đồng. Các loại hải sản như tôm, mực, bạch tuộc cũng tăng 30-40% nhưng chưa chắc được hàng ngon.
Theo một số người bán hàng cho biết, do dịch bệnh COVID-19, việc lấy hàng hiện nay rất khó khăn do phải có nhiều loại giấy tờ, thủ tục. Người bán hàng phải test COVID-19 với tần suất 3 ngày/lần, các chi phí bảo hộ, sát khuẩn… khiến giá thành hàng hóa tăng từ đầu mối chợ nông sản đến bán lẻ.
Theo báo Tiền phong, thừa nhận giá thực phẩm bán online đang tăng cao, anh Nguyễn Hưng, chuyên buôn hải sản tại Việt Hưng (Long Biên) cho biết, nguyên nhân là do nhập hàng khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao nên buộc phải tăng giá mới có lãi.
Còn anh Nguyễn Dũng, buôn bán thực phẩm online chia sẻ: "Gà nhà tôi thường lấy từ các mối buôn ở Hòa Bình, mấy ngày hôm nay lực lượng chức năng ở Hòa Bình và Hà Nội làm rất chặt, các chốt kiểm soát có từ xã, đến huyện, gà vào được chợ cũng rất khó khăn. Do phải qua nhiều trạm kiểm soát, một số mối hàng nghỉ không giao hàng, nên giá đội lên".
Giá thực phẩm tăng cao trong khi thời gian giãn cách kéo dài, nhiều gia đình không có thu nhập khi phải ở nhà khiến cuộc sống thường ngày trở nên khó khăn.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 127 siêu thị chủ yếu tập trung tại các quận nội thành; 458 chợ; trên 1.800 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm... hầu hết đều được mở cửa phục vụ người tiêu dùng, giá hàng hóa tại các siêu thị đều ổn định.
Việc một số chợ có biểu hiện tăng giá, một phần do tự phát, một phần do các chi phí phát sinh, 2 ngành NN&PTNT và Công thương Hà Nội sẽ phối hợp đẩy mạnh kiểm tra, xử lý.
© thitruongbiz.vn