Ngày 23 tháng chạp hàng năm như thường lệ mọi gia đình đều làm mâm cơm tiễn ông Công, ông Táo về trời. Trong đó, việc chọn ngày giờ theo phong tục truyền thống, phong thủy lưu ý gia chủ không cúng ông Công ông Táo sau 23h đêm ngày 23 tháng Chạp.
Lễ cúng ông Công ông Táo là lễ cúng quan trọng, mở đầu cho Tết Cả - Tết Nguyên đán lớn nhất trong năm của người Việt, mang ý nghĩa tiễn các vị thần bếp về trời báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình suốt năm qua.
Các vị thần bếp được xem là người bảo vệ gia đình, giữ lửa hạnh phúc và mang lại may mắn. Lễ cúng ông Công ông Táo là cách để gia chủ bày tỏ lòng biết ơn và mong cầu được chở che, bình an, may mắn trong năm mới sắp đến. Vì là lễ cúng quan trọng nên tất cả mọi thành viên trong gia đình nên sắp xếp công việc để trở về nhà quây quần, sum họp cùng nhau trong dịp này.
Tết ông Công ông Táo năm 2025 sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Thìn (tức là vào thứ Tư, ngày 22/1/2025 theo Dương lịch).
Theo quan niệm phong thủy, giờ Ngọ (11h-13h) của ngày 23 tháng Chạp được coi là thời điểm đẹp nhất để thực hiện lễ cúng tiễn Táo quân. Tuy nhiên, do 23 tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Tư, ngày 22/1/2025 - là ngày làm việc giữa tuần - nên nhiều gia đình khó thu xếp để cúng được đúng ngày.
Để cúng ông Công ông Táo năm nay ngoài ngày 23 tháng Chạp (22/1 dương lịch) còn có các ngày 19 tháng Chạp (18/1); 20 tháng Chạp (ngày 19/1) và 21 tháng Chạp (ngày 20/1).
Gia chủ có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo vào các ngày trước đó, tham khảo các ngày tốt và khung giờ hoàng đạo để cúng ông Công ông Táo ngoài chính ngày 23 tháng Chạp sau:
- Ngày 19 tháng Chạp (ngày 18/1, thứ Bảy): giờ Thìn (7h-9h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h), Tuất (19h-21h).
- Ngày 20 tháng Chạp (ngày 19/1, Chủ nhật): giờ Sửu (1h-3h), Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h).
- Ngày 21 tháng Chạp (ngày 20/1, thứ Hai): giờ Dần (3h-5h), Mão (5h-7h), Tỵ (9h-11h), Thân (15h-17h), Tuất (19h-21h), Hợi (21h-23h).
Theo chuyên gia phong thủy, tuyệt đối không làm lễ cúng ông Công ông Táo sau ngày 23 tháng Chạp và không cúng muộn hơn 23h đêm ngày 23 tháng Chạp. Đây được xem là phạm húy, các Táo tới muộn, không kịp báo cáo với Ngọc Hoàng, cơ sự lỡ dở.
Vị trí đặt mâm cỗ cúng ông Công ông Táo cũng được lưu ý nên đặt ngay trong bếp nếu có bàn thờ riêng. Trường hợp không có bàn thờ ông Táo riêng, có thể đặt chung với ban thờ gia tiên, không nên để ở bếp hay ngoài ban công.
Về nghi thức cúng, sau khi chuẩn bị lễ vật và mâm cỗ, gia chủ ăn mặc trang nghiêm, thành kính thắp hương, đọc bài khấn tiễn ông Công ông Táo về trời.
Trong bài khấn, trước là cảm tạ các quan thần đã ban ân phúc cho gia đình được mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc trong suốt một năm qua. Sau là mong các quan thần xá tội cho những lỗi lầm đã phạm phải, xin được tiếp tục ban phước lộc, phù hộ toàn gia sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Theo sách nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Văn khấn ông Công ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam là:
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
© thitruongbiz.vn