Dự án “Hệ thống Logistics tối ưu cho tái chế hữu cơ” của nhóm sinh viên trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) nhằm giúp thu gom và phân bố rác hữu cơ từ các đơn vị vận chuyển, đơn vị thu gom, các tổ chức xử lý đến các hộ dân thông qua phần mềm.
Dự án của nhóm sinh viên trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) vừa đạt được hai trong ba giải thưởng cao nhất của cuộc thi “Dự án Đổi mới sáng tạo Kỹ thuật eProjects” gồm Giải pháp hiệu quả nhất và Đội hoạt động nhóm hiệu quả nhất. Dự án được sự hướng dẫn của TS. Võ Thanh Hằng (Khoa Môi trường và Tài nguyên - trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM) cùng các chuyên gia từ công ty DOW Việt Nam.
Phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn
Dự án “Hệ thống Logistics tối ưu cho tái chế hữu cơ” được lên ý tưởng và thực hiện trong vòng 6 tháng. Đây là dự án của nhóm sinh viên đến từ nhiều khoa, ngành khác nhau hợp tác. Hiện nay, dự án đã được thử nghiệm ở trang trại chăn nuôi trùn quế tại huyện Củ Chi (TP.HCM) và đem lại hiệu quả cao.
Ý tưởng được nhen nhóm khi nhóm sinh viên mong muốn đẩy mạnh công nghệ tái chế rác hữu cơ từ trùn quế, đồng thời nhận thấy sự biến động về giá năng lượng toàn cầu. Hơn hết, việc nhận thấy tầm quan trọng trong việc phân loại rác tại nguồn là một trong những yếu tố đã khởi đi ý tưởng của nhóm sinh viên.
Đào Gia Minh – thành viên nhóm dự án chia sẻ: “Việc phân loại rác tại nguồn và làm sao để tận dụng hiệu quả lượng chất thải hữu cơ tại TP.HCM là một trong những vấn đề nan giải. Những cách xử lý rác thải truyền thống như chôn, đốt,… đã ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường sống cũng như chất lượng không khí. Thay vào đó, rác thải hữu cơ hoàn toàn có thể được tận dụng bằng cách tạo ra phân bón hữu cơ cũng được sử dụng trong đời sống. Tuy nhiên, nhóm nhận thấy cách làm này vẫn chưa phổ biến, vẫn còn ở quy mô nhỏ, chưa có hệ thống công nghệ nhằm quản trị vận hành”.
Các phần mềm quản lý hoạt động Logistics cho chuỗi cung ứng chất thải hữu cơ vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Chính vì vậy, dự án của nhóm tập trung phát triển phần mềm thu gom, phân bố rác thải hữu cơ từ các đơn vị vận chuyển, đơn vị thu gom, các tổ chức xử lý đến các hộ dân và ngược lại.
Nguyễn Vũ Bích Ngọc – đại diện nhóm dự án chia sẻ: “Người dân chỉ cần đăng nhập vào hệ thống, sau đó nhập một số thông tin như địa chỉ, số lượng rác muốn thu gom. Lúc này, hệ thống sẽ tối ưu hóa đường đi các điểm thu gom, sau đó bên vận chuyển sẽ đến thu gom tận nhà”.
Ngoài ra, dự án còn tập trung giải quyết vấn đề liên quan đến Logistics, vận chuyển rác hữu cơ. Đồng thời, dự án sẽ tối ưu hóa các chi phí vận chuyển nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia và nâng cao ý thức về tái chế rác hữu cơ.
Suốt quá trình đồng hành cùng nhóm, TS. Võ Thanh Hằng (Khoa Môi trường và Tài Nguyên) đánh giá cao dự án “Hệ thống Logistics tối ưu cho tái chế hữu cơ”.
“Đây là một dự án có tiềm năng, phù hợp với chúng ta và quá trình chuyển đổi số hiện nay. Dự án còn phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường”, TS. Võ Thanh Hằng nhấn mạnh.
Tiếp tục mở rộng các khu vực trên địa bàn TP.HCM
Cho đến nay, hệ thống đã được thử nghiệm ở trang trại nuôi trùn quế tại huyện Củ Chi (TP.HCM). Hiện tại, trang trại này đã sử dụng ứng dụng để thu gom rác thải hữu cơ từ người dân trong khu vực nhằm ủ phân trùn quế. Theo đó, phần mềm này cũng lên được lộ trình thu gom cho trang trại sao cho tiện đường nhất và đáp ứng nhu cầu của nông dân.
Với phần mềm trên, rác hữu cơ có thể dễ dàng thu thập từ các hộ dân đến các trang trại. Tất cả chất thải hữu cơ sẽ được thu gom từ gia đình sau đó được làm thức ăn cho trùn quế, theo đó, phân hữu cơ giá rẻ nhiều dinh dưỡng sẽ được mang đến các trang trại trồng rau.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm sinh viên cũng gặp một số khó khăn nhất định. Nguyễn Vũ Bích Ngọc – đại diện nhóm cho biết dự án hiện tại mới chỉ bước đầu thử nghiệm nên chưa được sử dụng rộng rãi. Suốt thời gian thực hiện dự án, cả nhóm cũng nhận được nhiều góp ý của giảng viên hướng dẫn cùng các chuyên gia từ công ty DOW Việt Nam nhằm phát triển dự án này.
Để phát triển dự án, nhóm sẽ tập trung nâng cấp phiên bản lẫn giao diện cho hệ thống trong thời gian tới. Đồng thời, dự án sẽ dần mở rộng ra thêm các khu vực ở Củ Chi (TP.HCM) và tiếp tục đến những quận, huyện khác.
Đào Gia Minh - thành viên nhóm chia sẻ: “Nhóm sẽ cải tiến các tính năng và giao diện cho hệ thống. Cùng với đó, việc mở rộng dự án vận hành trên phạm vi toàn thành phố chính là một mục tiêu ngắn hạn trong năm tiếp theo”.
TS. Võ Thanh Hằng cho biết, dự án cần sự đồng thuận của người dân cùng với đơn vị vận chuyển. Từ đó, hệ thống sẽ tối ưu hóa để giảm chi phí vận chuyển, giảm được thời gian di chuyển trên các tuyến đường để đưa rác thải đến các cơ sở tái chế, trùn quế.
eProjects là chương trình Đổi mới Sáng tạo Kỹ thuật. Trong đó, giảng viên và người cố vấn đến từ doanh nghiệp sẽ hướng dẫn nhóm sinh viên giải quyết vấn đề được đề xuất thông qua các dự án. Trong quá trình tham gia chương trình eProjects, sinh viên sẽ học được các kỹ năng cứng như thiết kế, xây dựng và thử nghiệm mẫu, cùng với các kỹ năng mềm như quản lý nhóm và quản lý dự án. Từ đó, giúp cho sinh viên có thể đạt được nhiều kiến thức, kỹ năng và tự tin hơn trong quá trình trở thành những kỹ sư chuyên nghiệp trong tương lai. Chương trình eProjects đã thúc đẩy hợp tác giữa trường Đại học và Doanh nghiệp thông qua đổi mới công nghệ (BUILD-IT) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, triển khai bởi Đại học Bang Arizona và được tài trợ bởi Chương trình STEM của Dow Việt Nam. |
© thitruongbiz.vn