Tập đoàn tài chính Aeon Financial Services (AFS) của Nhật Bản vừa bất ngờ tuyên bố muốn hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) từ Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).
Tập đoàn tài chính Aeon Financial Services (AFS) của Nhật Bản vừa bất ngờ tuyên bố muốn hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) từ Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Lý do được đưa ra là Tập đoàn này đã phát hiện các sai lệch nghiêm trọng liên quan đến thông tin kế toán tại PTF trước thời điểm ký kết hợp đồng.
Cụ thể: Công ty TNHH Dịch Vụ Tài Chính AEON (AEON Financial Services) - một thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group - vừa có văn bản công bố thông tin về việc phát hiện sai phạm trong xử lý kế toán trước khi mua lại cổ phần tại Công ty Tài chính PTF.
Theo nội dung văn bản, vào tháng 10/2023, AEON Financial Services đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (HoSE: mã chứng khoán SSB, SeABank) mua lại cổ phần tại Công ty tài chính PTF tại Việt Nam.
Song, phía AEON Financial Services phát hiện "các thông tin kế toán được công bố trước khi ký hợp đồng có sự khác biệt lớn so với thực tế".
"Vì lý do này, AEON Financial Services đã gửi thông báo đến SeABank để yêu cầu tuyên bố hợp đồng này là vô hiệu", thông báo nêu rõ.
Phía Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cho biết hôm nay vừa nhận được email thông báo từ Aeon Financial Service liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng tại PTF.
"Đây là lần đầu tiên ngân hàng tiếp nhận thông tin từ Aeon Financial. Chúng tôi đang liên hệ với doanh nghiệp này để làm rõ thông tin", SeABank phản hồi
PTF được thành lập tháng 10/1998 và hiện là một trong những công ty tài chính đầu tiên tại Việt Nam với vốn điều lệ 1.550 tỷ đồng, tổng nhân sự gần 2.000 người và phục vụ gần 200.000 khách hàng tại 30 tỉnh thành phố trên cả nước.
Trong những năm gần đây, PTF từng ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ của công ty đạt 4.729 tỷ đồng, tăng 76% so với năm trước đó. Lợi nhuận trước thuế lên tới 247 tỷ đồng, tăng gần 9 lần so với năm 2021. Tổng thu nhập hoạt động trong năm đạt 681 tỷ đồng, tăng 490%.
Năm 2024, PTF tiếp tục báo cáo kết quả tích cực với tổng dư nợ hơn 4.325 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 166 tỷ đồng, tăng 173% so với năm liền trước.
Ngày 9/11/2023, SeABank và AEON Financial tổ chức lễ ký kết hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần của Công ty Tài chính PTF trị giá 4.300 tỷ đồng.
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng 100% vốn góp của SeABank tại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) cho AEON Financial Services.
Phía SeABank cho biết đây là dự án nằm trong lộ trình đã được Đại hội đồng cổ đông SeABank thông qua nhằm cơ cấu nguồn vốn, tăng cường năng lực tài chính để mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh việc hợp tác chuyển nhượng vốn góp tại PTF, SeABank và AEON Financial Services cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược để thắt chặt mối quan hệ hợp tác, hướng tới mục tiêu trở thành đối tác toàn diện, đồng thời khai thác tối đa lợi thế của hai bên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.
Ngày 3/2/2025, AEON Financial Services đã hoàn tất việc mua lại cổ phần từ SeABank và biến PTF thành công ty con hợp nhất của mình. Tuy nhiên, tổ chức này cho biết trong quá trình tiến hành PMI (Post Merger Integration - quá trình hợp nhất sau hợp nhất, bao gồm quản lý sau hợp nhất, vận hành, hệ thống, văn hoá tổ chức...) với PTF, họ phát hiện có các giao dịch kế toán không phù hợp được thực hiện trước khi thương vụ diễn ra.
Phía AEON Financial Services cho biết đã ngay lập tức điều tra sự việc với sự tư vấn của luật sư địa phương.
Đến ngày 6/6/2025, AEON Financial Servicer yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng cổ phần vô hiệu đối với SeABank.
"Thời gian tới, AEON Financial Services sẽ kiên quyết yêu cầu điều ra làm rõ sự việc, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam để vô hiệu hóa Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, yêu cầu hoàn trả các chi phí đã phát sinh trong quá trình ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, bồi thường thiệt hại và truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với SeABank cùng các giám đốc và các bên liên quan khác", phía AEON Financial Services nhấn mạnh.
Aeon Financial Service là công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc Tập đoàn Aeon của Nhật Bản, được thành lập từ năm 1981. Với trụ sở chính đặt tại Tokyo, Aeon Financial chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính như phát hành thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng, bảo hiểm và các giải pháp thanh toán điện tử.
Công ty hoạt động mạnh mẽ tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái tài chính hỗ trợ hoạt động bán lẻ của Tập đoàn Aeon, công ty tập trung phát triển công nghệ số và tích hợp dịch vụ tài chính vào trải nghiệm mua sắm.
Công ty này bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008 thông qua việc thành lập Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam, chuyên cung cấp dịch vụ bán hàng trả góp liên kết với các nhà bán lẻ đối với hàng hóa tiêu dùng lâu bền như máy tính, thiết bị gia đình, nội thất, xe máy.
Về SeABank, theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.350 tỷ đồng, tăng gần 189% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu thuần (TOI) hoàn thành 184% kế hoạch, đạt 5.820 tỷ đồng, tăng hơn 115%, trong đó, thu thuần ngoài lãi là điểm sáng góp phần đẩy tỷ trọng tổng thu nhập hoạt động khi đạt 3.369 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 378%, hoàn thành 340% kế hoạch.
Kết thúc quý I/2025, tổng huy động từ tiền gửi và giấy tờ có giá của SeABank đạt 189.993 tỷ đồng và tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 213.048 tỷ đồng, tăng ròng 3.693 tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với cuối năm 2024, hiện ở mức 1,84%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 81,81%, bảo đảm đủ trích lập dự phòng theo quy định.
Năm 2025, SSB dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 6.458 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 5.158 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với năm 2024; ROE đạt 13,8% và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát theo quy định nhỏ hơn 3%.
Theo danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ SeABank cập nhật đến ngày 29/10/2024. Trong đó, có 4 cá nhân và 13 công ty sở hữu tổng cộng gần 1,625 tỷ cổ phiếu SSB, tương đương hơn 57,3% cổ phần SeABank.
Đáng chú ý, cả 4 cá nhân trong danh sách được công bố đều thuộc cùng một gia đình. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Nga (madame Nga – Phó Chủ tịch thường trực SeABank cùng chồng Lê Hữu Báu, con trai Lê Tuấn Anh và con gái Lê Thuy Thuỷ là bốn cổ đông cá nhân duy nhất nắm giữ trên 1% cổ phần SeABank, theo danh sách được công bố.
Trong đó, bà Nga sở hữu hơn 111,5 triệu cổ phiếu SSB, tương đương 3,936% vốn SeABank.
Con gái bà Nga - bà Lê Thu Thủy và cũng là Phó Chủ tịch SeABank, sở hữu hơn 65,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,316% vốn ngân hàng;
Chồng bà Nga là ông Lê Hữu Báu nắm giữ 1,785% vốn và ông Lê Tuấn Anh, con trai bà nắm 1,873% vốn.
Như vậy, tổng số cổ phần bà Nga và người thân trực tiếp nắm giữ là gần 281 triệu đơn vị, tương đương 9,91% vốn SeABank.
Ngoài cá nhân và người thân, Công ty TNHH Phát triển Đầu tư Phú Mỹ do bà Nguyễn Thị Nga đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên cũng nắm giữ hơn 141,1 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng 4,98% vốn SeABank.
Tổng cộng, số cổ phần bà Nga và người thân cùng công ty liên quan đang trực tiếp nắm giữ tương đương 14,89% vốn SeABank.
© thitruongbiz.vn