Theo thông báo của hội đồng xét xử, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đang phải điều trị trong bệnh viện, phải thở oxy do gặp vấn đề về sức khỏe.
Ngày 25/3, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên tòa phúc thẩm vụ án thao túng chứng khoán, lừa đảo có liên quan Tập đoàn FLC, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Gần 10 giờ, HĐXX bắt đầu làm việc. Chủ tọa phiên tòa công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử và cho biết phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 25 đến ngày 28/3.
Tại phần thủ tục, thư ký phiên tòa cho biết bị cáo Quyết vắng mặt và có đơn xin hoãn xét xử, 25 bị cáo khác (trong tổng số 50 bị cáo) có kháng cáo và được tòa án triệu tập.
Đồng thời bệnh viện 198 xác nhận ông mắc nhiều bệnh nghiêm trọng như lao ác tính, viêm dạ dày, suy thận cấp. Ông phải thở máy, thở oxy và được đánh giá có nguy cơ tử vong cao.
"Hiện bị cáo đang điều trị theo phác đồ chữa lao, sử dụng thuốc chống dị ứng, sử dụng khí rung thường xuyên, phải thở oxy, thở máy không xâm nhập, cần điều trị tại bệnh viện" thông tin từ bệnh viện xác nhận.
Đây là lần thứ hai ông Quyết không thể có mặt tại phiên phúc thẩm vì lý do sức khỏe.
Trước đó, khi phiên tòa phúc thẩm lần 1 được mở hồi tháng 12/2024, ông Trịnh Văn Quyết cũng có đơn xin tạm hoãn phiên tòa vì đang điều trị bệnh lao ác tính, viêm dạ dày, suy thận cấp và luật sư của ông “chưa đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án”.
Bệnh viện cũng có giấy xác nhận chẩn đoán ông Quyết bị hen phế quản, ho lao, dị ứng thuốc ho ra máu. Bệnh viện cho rằng ông Quyết cần được điều trị tích cực và không thể ra tòa.
Trong phiên xét xử hôm nay, các bị cáo kháng cáo còn lại có mặt. 25 bị cáo không kháng cáo và không bị kháng nghị được triệu tập đến phiên tòa có mặt.
Trong số các luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết, 4 luật sư có mặt, một luật sư vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa. Trong số hơn 130 bị hại kháng cáo có 5 người có mặt, có 1 người xin xét xử vắng mặt, 1 người xin rút kháng cáo. Gần 400 người liên quan kháng cáo, có mặt 127 người, 120 người xin xét xử vắng mặt. Hơn 40 luật sư tham gia phiên tòa.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo các bị can khác gian dối, tăng khối vốn góp chủ sở hữu rồi niêm yết bán cổ phần, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Ông Trịnh Văn Quyết còn chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế sử dụng nhiều tài khoản thao túng giá 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART; thu lợi bất chính số tiền 723 tỷ đồng.
Với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giai đoạn 2014-2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng khống vốn điều lệ cho Công ty Xây dựng FLC Faros, từ 1,5 tỷ lên tới 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần. Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết tổng cộng 21 năm tù về 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán. Trịnh Thị Minh Huế lĩnh 14 năm tù, Trịnh Thị Thúy Nga 8 năm tù.
Cựu Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung bị phạt tổng mức án 8 năm 6 tháng tù...
Trước phiên phúc thẩm, gia đình ông Quyết đã nộp tổng cộng hơn 970 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Trong đó:
Ông Quyết và vợ đã nộp hơn 600 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga nộp 86 tỷ đồng, Trịnh Thị Minh Huế nộp hơn 254 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Quyết cũng đã nộp thêm 27 tỷ đồng.
Theo luật sư, toàn bộ thiệt hại của 133 bị hại trong vụ án đã được khắc phục hoàn toàn.
© thitruongbiz.vn