Bộ Y tế đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm từ viện trợ của Chính phủ Trung Quốc và đã phân bổ tới 9 tỉnh. Riêng TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 1 triệu liều vaccine Sinopharm được mua từ nguồn tiền tài trợ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sẽ triển khai tiêm cho người dân từ 13/8.
Từ hôm nay (13/8), TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức sử dụng 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm Bắc Kinh, Trung Quốc sản xuất. Như vậy, sau nhiều tranh cãi, TP Hồ Chí Minhđã trở thành địa phương tiếp theo tiêm vaccine phòng COVID-19 Sinopharm.
Đây là đợt tiêm chủng thứ 6 tại TP Hồ Chí Minh. Hơn 4,1 triệu liều vaccine COVID-19 các loại do Bộ Y tế phân bổ đã được thành phố cơ bản sử dụng hết. Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minhcho biết đang nỗ lực để đạt mục tiêu hoàn tất tiêm chủng cho 70% dân số trên 18 tuổi đang sinh sống trên địa bàn vào cuối tháng này.
Trước đó, thông tin về việc tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc đã gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, cùng với các loại vaccine phòng COVID-19 khác như AstraZeneca, vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech, vaccine Moderna, vaccine phòng COVID-19 của Trung Quốc Sinopharm đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã phê duyệt vaccine Vero Cell của Sinopharm là vaccine ngừa COVID-19 được nằm trong danh sách vaccine sử dụng khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh COVID-19, hiện đã được nhiều nước trên thế giới đưa vào tiêm chủng.
Vaccine Sinopharm phòng COVID-19 do Trung Quốc sản xuất được các chuyên gia đánh giá có “hiệu quả khả quan” và lại mang lại kết quả trong việc ngăn chặn các ca bệnh trở nặng và tử vong.
Nhiều tỉnh đã triển khai tiêm vaccine Sinopharm |
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm từ viện trợ của Chính phủ Trung Quốc từ ngày 20/6 và đã phân bổ tới 9 tỉnh, bao gồm Lào Cai nhận 17.300 liều, Lạng Sơn nhận 121.000 liều, Quảng Ninh 230.000 liều, Nam Định 1.700 liều, Thái Bình 1.400 liều, Điện Biên 28.000 liều, Cao Bằng 60.000 liều, Lai Châu 6.000 liều, Hà Giang 34.000 và Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (để kiểm định và lưu mẫu) 600 liều. TP Hồ Chí Minh mới tiếp nhận 1 triệu liều vaccine Sinopharm được mua từ nguồn tiền tài trợ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo kế hoạch, gói tài trợ này tổng cộng có 5 triệu liều với giá trị là 45 triệu USD.
Trước đó, giữa những tranh cãi nảy lửa về việc TP Hồ Chí Minh sử dụng vaccine Sinopharm, UBND TP Hải Phòng đã có thông báo về việc “Thống nhất chủ trương tiếp nhận vaccine Sinopharm để tiêm cho nhân dân thành phố”. Thứ tự người dân được ưu tiên tiêm vaccine tại Hải Phòng là lái xe, phụ xe đường dài; công nhân đang làm việc cho các doanh nghiệp Trung Quốc; các công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp; nhóm người dân xung phong thực hiện.
Cho đến nay, vaccine Sinopharm đã được triển khai tiêm chủng tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Mới đây, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An (CDC Long An) cho biết, 4.000 liều vaccine Sinopharm sẽ được Long An dành riêng để tiêm cho người Trung Quốc đang cư trú trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Bộ Y tế đã phân bổ cho Long An tổng cộng 401.222 liều vaccine phòng COVID-19 (gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna). Long An cũng là một địa bàn đang có số ca mắc COVID-19 cao trong nước, với 354 ca mắc trong ngày 12/8, đưa tổng ca mắc tại địa phương này lên 12.069 ca.
Tỉnh Bình Dương, nơi đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thứ hai trên cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, tính đến hôm nay (12/8), Bình Dương đã có tổng cộng 36.765 ca nhiễm COVID-19 và riêng ngày hôm nay là 3.028 ca. Theo kế hoạch, tỉnh Bình Dương sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 6.000 chuyên gia đến từ Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc tại 835 doanh nghiệp trong địa bàn. Trong đó, 4.552 liều vaccine Sinopharm được tiêm cho các chuyên gia Trung Quốc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Để đảm bảo an toàn cho các chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Đồng Nai cũng đã triển khai tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm cho nhóm đối tượng này.
Ngày 10/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai cho biết Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark (Đồng Nai) đã phối hợp cùng Đại sứ quán Trung Quốc thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 Vero Cell của Sinopharm cho các chuyên gia người Trung Quốc làm việc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thời gian tiêm chủng cho các chuyên gia Trung Quốc kéo dài từ ngày 10 đến hết 14/8.
Trong ngày 12/8, Đồng Nai đã ghi nhận thêm 1.071 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 tại đây lên 11.340 ca.
Tỉnh Quảng Ninh tuyên bố cư dân biên giới 16 xã phường TP Móng Cái, huyện Bình Liêu, huyện Hải Hà sẽ được tiêm đủ mũi hai vaccine SinoPharm trong tháng 8. Những trường hợp được tiêm vaccine ở địa phương này gồm: cư dân biên giới 16 xã phường của TP Móng Cái, huyện Bình Liêu, huyện Hải Hà; chuyên gia và người lao động Trung Quốc trên địa bàn tỉnh; du học sinh và những người có kế hoạch đi học, làm việc tại Trung Quốc; người lao động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc; người lao động tại một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao...
Mũi một vaccine Sinopharm đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai được tiêm từ tháng 7, hiện tại chỉ còn hơn 1.000 liều nữa là hoàn thành mũi một với 88.000 người. Đối với cư dân biên giới đã tiêm được 80%, còn doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc đã tiêm được 90% các trường hợp.
Tỉnh Quảng Ninh đã được phân bổ 280.000 liều vaccine gồm: Pfizer 6.000 liều, Moderna 42.000 liều, Sinopharm 176.200 liều, còn lại là AstraZeneca; sắp tới tỉnh này dự kiến được nhận thêm 80.000 liều.
Từ 31/7, TP Hạ Long cũng tổ chức tiêm vaccine Sinopharm cho người lao động tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, các tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ đầu mối, trung tâm thương mại... Thành phố tổ chức 8 điểm tiêm với hơn 6.000 liều vaccine Sinopharm.
Vaccine Sinopharm là loại vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được phát triển bởi một quốc gia không thuộc phương Tây, được sự phê duyệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trước đó, WHO chỉ chấp thuận các vaccine COVID-19 do AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson sản xuất. Ngày 7/5/2021, vaccine Sinopharm được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) với hiệu quả bảo vệ lên đến 78.2%, đây cũng là vaccine đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO.
Vaccine Sinopharm của Trung Quốc được phát triển theo cách “truyền thống” hơn so với một số loại vaccine phòng COVID-19 khác đang được sử dụng như Pfizer và Moderna. Nếu như vaccine Pfizer và Moderna được bào chế theo công nghệ mRNA, thì vaccine Sinopharm là vaccine bất hoạt sử dụng các phần tử virus bất hoạt nhằm mục đích kích thích hệ thống miễn dịch sinh ra kháng thể.
Vaccine Sinopharm là vaccine được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm (Trung Quốc), đây là vaccine được sản xuất bằng công nghệ bất hoạt. Sinopharm (hay Tập đoàn Y Dược Trung Quốc) là đơn vị sản xuất vaccine lớn nhất Trung Quốc, có hơn 1.500 công ty con và hơn 200.000 nhân viên trải rộng khắp toàn cầu. Năm 2020, đơn vị này được xếp hạng 145 trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới, với thu đạt hơn 70 tỷ USD.
Sau nhiều tháng nghiên cứu vaccine trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm thành công trên động vật, cuối tháng 4/2020, vaccine này được Cục Quản lý Dược Trung Quốc phê chuẩn việc thử nghiệm trên người. Ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc đã tiến hành cấp phép sử dụng có điều kiện vaccine Sinopharm, với hiệu quả bảo vệ được công bố là 79,34%, tỷ lệ sinh kháng thể trung hòa đạt 99,52%.
Ngày 31/5/2021, Sinopharm bắt đầu cung cấp vaccine cho chương trình COVAX, tạo cơ hội và điều kiện cho các nước được tiếp cận vaccine một cách công bằng. Ngày 3/6/2021, Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vaccine Sinopharm, đây là vaccine thứ 3 được Việt Nam phê duyệt sau AstraZeneca và Sputnik V.Vaccine Sinopharm được cung cấp cho hơn 70 quốc gia, trong đó có các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Philippines, Singapore và Việt Nam.
URL: https://thitruongbiz.vn/nhieu-tinh-da-trien-khai-tiem-vaccine-sinopharm-d1493.html
© thitruongbiz.vn