Bộ Tài chính vừa kết luận việc thanh tra chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Công ty mẹ - Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem); Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp; Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng; Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên, từ ngày 21/6/2024 đến ngày 2/8/2024.
Theo kết luận thanh tra, một số khoản đầu tư tại Công ty mẹ - Tổng công ty Vicem có tiềm ẩn rủi ro mất vốn. Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, Công ty mẹ - Tổng công ty đang trích lập dự phòng rủi ro tổn thất các khoản đầu tư số tiền 3.017 tỷ đồng đối với 7 khoản đầu tư:
Tại Công ty TNHH MTV Vicem Tam Điệp: Vincem đã đầu tư số vốn là hơn 1.132 tỷ đồng, công ty ghi nhận lỗ lũy kế lên tới 1.126 tỷ đồng, chiếm 99,5% vốn góp. Vicem đã phải trích lập dự phòng 1.069 tỷ đồng. Hiện tại, Vicem còn hỗ trợ công ty này vay 396 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Tại CTCP Xi măng Vicem Hải Vân: Vốn đầu tư ban đầu là 314 tỷ đồng, tuy nhiên đến cuối năm 2023, công ty lỗ hơn 64 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên gần 61 tỷ đồng, theo đó Vicem phải trích lập dự phòng 34 tỷ đồng.
Tại CTCP Xi măng Hạ Long: Với số vốn đầu tư lên tới 1.605 tỷ đồng, năm 2023 công ty này lỗ 648 tỷ đồng, đưa lỗ lũy kế chạm mốc 4.902 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn chủ sở hữu âm 2.960 tỷ đồng, khiến Vicem phải trích lập dự phòng toàn bộ số vốn đầu tư 1.605 tỷ đồng. Theo kết luận, doanh nghiệp này đang "liên tục thua lỗ, tình hình tài chính mất cân đối nghiêm trọng, không còn khả năng trả nợ đến hạn, đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động".
Tại CTCP Vicem Sông Thao: Số vốn đầu tư của Vicem là 516 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến cuối năm 2023 đã đạt 312 tỷ đồng, Vicem trích lập dự phòng 252 tỷ đồng.
Tại CTCP Sông Đà 12: Với vốn đầu tư 12 tỷ đồng, công ty này lỗ 3,4 tỷ đồng trong năm 2023, lỗ lũy kế lên 232 tỷ đồng, Vicem phải trích lập dự phòng 10,2 tỷ đồng.
Tại CTCP Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai: Vicem đầu tư 43,6 tỷ đồng, công ty này ghi nhận lỗ 99 tỷ đồng trong năm 2023, đưa lỗ lũy kế lên 788 tỷ đồng. Vicem đã trích lập dự phòng 41 tỷ đồng.
Tại CTCP Cao su Đồng Nai - Kratie: Với vốn đầu tư 96 tỷ đồng, công ty báo lãi 13 tỷ đồng trong năm 2023, tuy nhiên vẫn lỗ lũy kế tới 179 tỷ đồng, Vicem trích lập dự phòng 4 tỷ đồng.
Ngoài 7 khoản đầu tư lớn nói trên, còn có 9 công ty con và công ty liên kết khác do Vicem đầu tư cũng báo cáo kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2023. Tuy nhiên, các công ty này vẫn có vốn chủ sở hữu cao hơn vốn đầu tư.
Thanh tra Bộ Tài chính cho hay, theo báo cáo của Tổng công ty, nguyên nhân 10 công ty con sản xuất xi măng có hiệu quả thấp, nhiều công ty lỗ lớn trong năm 2023 và lỗ lũy kế 6.702,623 tỷ đồng chủ yếu là do: Lỗ lũy kế của 3 đơn vị Tổng công ty nhận bàn giao phần vốn nhà nước từ địa phương hoặc các doanh nghiệp khác thuộc Bộ Xây dựng (Công ty Cổ phần Cô Xi măng Hạ Long, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty phần Xi măng Vicem Sông Thao) tính đến thời điểm 31/12/2023 là 6.341,430 tỷ đồng, tại thời điểm bàn giao đã lỗ 4.070,4 tỷ đồng.
Cùng với đó, sản lượng sản xuất thấp hơn nhiều công suất thiết kế tối đa dẫn đến định phí tính trên 1 đơn vị sản phẩm tăng và các chi phí duy trì bảo dưỡng tăng. Giá bán clinker, xi măng không tăng và một số sản phẩm thấp hơn giá thành toàn bộ. Chi phí lãi vay lớn do một số công ty đầu tư chủ yếu bằng vốn vay. Do tỷ giá biến động dẫn đến phát sinh chi phí tài chính do lỗ chênh lệch tỷ giá lớn. Chi phí khấu hao tính trên 1 đơn vị sản phẩm tăng do sản lượng sản xuất thấp hơn công suất tối đa. Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng làm tăng chi phí dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp...
Về tình hình kinh doanh của Vicem, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng công ty sản xuất được 7,63 triệu tấn clinker, bằng 45,1% kế hoạch năm 2024, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Sản lượng sản xuất xi măng đạt 9,77 triệu tấn, bằng 45,4% kế hoạch, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 của Vicem ước đạt 13.198 tỷ đồng, bằng 46,1% kế hoạch năm 2024 và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2023.
© thitruongbiz.vn