VN-Index một lần nữa lỡ hẹn ngưỡng 1.300 điểm trong tuần vừa qua. Chuyên gia khuyến nghị giao dịch trong tuần này (15/7-19/7), nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỉ trọng hợp lý. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần vừa qua (11/7) chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.280,8 điểm, giảm nhẹ -2,29 điểm, tương đương giảm -0,18% so với phiên cuối tuần trước. Mức độ giảm điểm là không lớn và biên độ biến động của từng phiên khá hẹp cho thấy thị trường đang vào ở vùng tích lũy trên nền thanh khoản vừa phải.
![]() |
Trong tuần qua, vì sự phân hóa khá rõ nên diễn biến các nhóm ngành cũng có sự phân hóa giữa các ngành và chính trong nội bộ từng ngành. Nếu so với tuần trước, cũng có ngành tăng điểm tích cực, nhưng cũng có ngành điều chỉnh giảm; tuy nhiên, điểm chung là mức độ biến động không nhiều. Nhóm tăng cao nhất là dầu khí cũng chỉ +3,5% và nhóm giảm nhiều nhất là công nghệ thông tin cũng chỉ -3,2% so với tuần trước.
Cụ thể hơn, sau giai đoạn tăng điểm mạnh vừa qua, nhóm ngành công nghệ hông tin đã giảm điểm trong tuần với các mã tiêu điểm như: FPT (-3,53%), CMG (-0,62%), ICT (-8,61%), ITD (-4,1%)...
Ngoài nhóm công nghệ thông tin, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến không tích cực trong tuần như: Nhóm viễn thông, tiêu biểu với MFS (-14,58%), ABC (-11,9%), TTN (-4,33%)...; nhóm cổ phiếu bia giao dịch trong sắc đỏ với SAB (-3,45%), BHN (-2,17%)...; nhóm cổ phiếu thực phẩm cũng giảm điểm với MSN (-2,48%), VNM (-1,34%), DBC (-3,55%)...
Khối ngoại tiếp đà bán ròng 4.481 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4.501 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 5 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 25 tỷ đồng trên sàn UPCoM. Tâm điểm bán ròng tiếp tục là cổ phiếu FPT với giá trị 1.334 tỷ đồng.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT thông tin, sau số liệu lạm phát tích cực, các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm, trong khi chỉ số sức mạnh đồng dollar (DXY) và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đều lao dốc.
Diễn biến này sẽ có tác động tích cực tới cân đối vĩ mô trong nước, theo đó, tỉ giá USD/VND có xu hướng giảm nhẹ trong những ngày gần đây, giúp gỡ dần nút thắt lớn đối với thị trường thời gian qua là vấn đề tỷ giá. Điều này sẽ cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường trong những tuần giao dịch tới.
Đồng thời, thị trường bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II với nhiều dự báo cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp diễn.
Do đó, nhịp điều chỉnh nếu có của thị trường về vùng 1.260-1.270 điểm sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng tỉ trọng cổ phiếu với giá vốn hấp dẫn hơn, ưu tiên nhóm ngành chưa tăng mạnh trong thời gian vừa qua như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, điện và nhóm xuất khẩu.
![]() |
Theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), trong phiên cuối tuần trước, diễn biến giảm điểm nhưng trong thế giằng co và thanh khoản thấp cho thấy đặc điểm của một nhịp điều chỉnh tích lũy hơn là phân phối.
Mặc dù VN-Index đang thiếu các dòng cổ phiếu dẫn dắt đủ để tạo dựng một nhịp tăng mạnh, nhưng sự luân phiên tăng thành các nhịp ngắn của một số mã vẫn đang đủ sức giúp giữ nhịp cho xu hướng tăng chung.
Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể trải mua lại từng phần vị thế trading khi chỉ số lùi về các ngưỡng hỗ trợ.
Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), xu hướng ngắn hạn, VN-Index vẫn tích lũy trong vùng 1.250 điểm - 1.300 điểm. Sau khi gặp vùng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm. VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh phiên thứ 3 liên tiếp, kiểm tra lại vùng giá cân bằng của kênh tích lũy này quanh 1.275 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên gần nhất. Áp lực điều chỉnh này đang khá bình thường khi giá giảm, thanh khoản suy giảm nhất là khi VN-Index đã có 7 phiên tăng điểm liên tục. Trường hợp tích cực nếu VN-Index phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.270-1.275 điểm thì khả năng quay trở lại kiểm tra vùng khá 1.300 điểm vẫn có thể xảy ra.
Xu hướng trung hạn, VN-Index vẫn tích lũy với biên độ hẹp dần trong vùng 1.245- 1.255 điểm đến 1.300 điểm, nửa trên của kênh 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm. VN-Index cũng đang phục hồi tốt khi kiểm tra lại cạnh dưới đường xu hướng trung hạn nối các vùng giá thấp từ tháng 11/2023 đến nay, và đang nỗ lực phục hồi kiểm tra lại vùng 1.300 điểm, tương ứng cạnh trên đường xu hướng nối vùng giá cao nhất tháng 9/2023, 3/2024 và 6/2024. Trong đó, 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.300 điểm - 1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 6, 8/2022.
“Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp khi nhà đầu tư đang chờ các thông tin về kết quả kinh doanh quí II của doanh nghiệp. Thị trường diễn biến tích lũy tích cực, nếu không có các yếu tố tiêu cực bất định mới xuất hiện thì VN-Index kỳ vọng sẽ hướng đến vùng kháng cự quanh 1.300 điểm khi các yếu tố như căng thẳng địa chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát, tỷ giá, khối ngoại bán ròng hạ nhiệt. Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỉ trọng hợp lý. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới, đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quí II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành”, chuyên gia của SHS nhận định.
© thitruongbiz.vn