Giá heo hơi hôm nay 3/3/2025 ghi nhận tiếp tục tăng trên cả ba miền, với mức cao nhất lên tới 81.000 đồng/kg tại khu vực miền Nam.
Giá heo hơi tại miền Bắc tiếp tục tăng nhẹ nhưng vẫn là khu vực có giá thấp nhất cả nước, dao động từ 72.000 - 75.000 đồng/kg:
Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội: 74.000 đồng/kg (+1.000 đồng). Phú Thọ, Tuyên Quang: 73.000 đồng/kg (+1.000 đồng).
Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam, Ninh Bình: 72.000 đồng/kg (giữ nguyên).
Bắc Giang tăng lên: 75.000 đồng/kg (+1.000 đồng).
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên ghi nhận mức tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/kg, dao động từ 73.000 - 80.000 đồng/kg: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam: 74.000 đồng/kg (+1.000 đồng). Quảng Trị: 73.000 đồng/kg (+1.000 đồng).
Lâm Đồng, Bình Thuận: 80.000 đồng/kg (+1.000 đồng, cao nhất khu vực). Ninh Thuận: 78.000 đồng/kg (+1.000 đồng).
Miền Nam tiếp tục là khu vực có giá heo hơi cao nhất cả nước, dao động từ 78.000 - 81.000 đồng/kg: Đồng Nai: 81.000 đồng/kg (+1.000 đồng, cao nhất cả nước).
TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre: 80.000 đồng/kg (giữ nguyên). Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu: 79.000 đồng/kg (giữ nguyên).
Giá lợn hơi tăng kéo theo giá thịt lợn mảnh (tươi sống) ngoài thị trường tăng tương ứng. Theo đó, tại một số chợ nọi thành Hà Nội như: Hà Đông (quận Hà Đông), Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), Nam Thành Công (Ba Đình) ngày 2/3, thịt lợn bày bán khá nhiều song giá đều tăng trung bình 6.000 đồng/kg.
Các loại thịt như: nạc vai, ba chỉ, sườn thăn dao động 150.000 - 160.000 đồng/kg; các loại thịt khác thấp hơn khoảng 6.000 - 8.000 đồng/kg.
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, nguyên nhân giá lợn hơi tăng cao là do tác động của dịch tả lợn châu Phi, dịch lợn tai xanh xuất hiện tại một số tỉnh, thành trong cả nước ngay dịp trước Tết. Trong khi đó, chi phí đầu tư thức ăn chăn nuôi, nguy cơ dịch bệnh cũng tăng cao hơn nên người dân thận trọng khi tái đàn.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu lợn qua biên giới nên nguồn cung trên thị trường bị hạn chế. Những địa phương phát triển mạnh chăn nuôi lợn như Đồng Nai và một số tỉnh phía Bắc chưa kịp tái đàn dẫn đến giá lợn hơi trên thị trường tăng.
Nguyên nhân giá heo hơi tăng là do tâm lý thị trường, có dấu hiệu “găm hàng” của người chăn nuôi và “đầu cơ” của thương lái nhằm tạo ra sự thiếu cung giả, tiếp tục đẩy giá lên cao. Thực tế, heo hơi có hạn chế sau Tết, nhưng không đến mức thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến giá cao như hiện nay.
Theo bà Trần Phương, trưởng phòng kinh doanh thực phẩm siêu thị Dailymart, giá thành sản phẩm chế biến từ thịt lợn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá nguyên liệu đầu vào. Khi giá thịt lợn tăng, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẽ phải nâng giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí, điều này sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, giá thịt lợn tăng trong thời gian dài có thể dẫn đến sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Những doanh nghiệp nhỏ hoặc có năng lực tài chính yếu có thể không chịu đựng được sự biến động giá nguyên liệu này và buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc thậm chí là đóng cửa. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất mà còn tác động đến các nhà cung cấp phụ, các nhà phân phối và các đối tác trong chuỗi cung ứng.
Lý giải về nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng, nhất là các tỉnh phía Nam, TS Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định, một số cơ sở chăn nuôi giảm sau khi bị chi phối bởi Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và có lộ trình triển khai thực hiện trong 5 năm.
Theo đó, từ ngày 1/1/2025 nếu các cơ sở chăn nuôi không theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi sẽ chịu xử phạt rất nặng theo Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 1/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định đối với trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ; sẽ phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi đối với trang trại quy mô lớn.
Do đó, nhiều cơ sở chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị, trong khu dân cư phải chuyển ra ngoài khu dân cư hoặc thay đổi ngành nghề của họ. Đơn cử như Đồng Nai, có khoảng 3.000 cơ sở phải chuyển ra ngoài khu dân cư. Đàn chăn nuôi giảm và sẽ ảnh hưởng đến số lượng lợn hơi.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), năm 2025, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất toàn ngành tăng khoảng 4 – 5% so với năm 2024; tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28 – 30%. Sản lượng thịt lợn năm 2025 dự kiến tăng 3% so với năm 2024. Lượng tiêu thụ thịt lợn của cả nước dự kiến khoảng 3,9 triệu tấn, tăng 3,3% so với năm 2024 và đạt 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1%/năm.
URL: https://thitruongbiz.vn/nguyen-nhan-nao-day-gia-lon-hoi-len-cao-toi-81000-dong-kg-d27410.html
© thitruongbiz.vn