Reuters đưa tin, ngày 22/4, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức hoàn tất việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin và tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Theo Reuters đưa tin ngày 22/4, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức hoàn tất việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin và tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam những nước chiếm tới 77% tổng lượng pin mặt trời nhập khẩu vào Mỹ năm 2024. Quyết định này đánh dấu bước ngoặt trong vụ kiện do các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Mỹ khởi xướng, với cáo buộc các công ty nước ngoài bán hàng giá thấp và nhận trợ cấp không công bằng.
Theo thông báo trên trang web của Bộ Thương mại Mỹ, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng dao động từ 6,1% đến 271,28%, trong khi thuế chống trợ cấp đối kháng có thể lên tới 3.403,96%, tùy thuộc vào từng công ty và quốc gia xuất xứ.
Để các mức thuế này chính thức có hiệu lực, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) sẽ tiến hành bỏ phiếu vào tháng 6 tới để đánh giá liệu hành vi bán phá giá và trợ cấp có thực sự gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp Mỹ hay không.
Quyết định áp thuế là kết quả của cuộc điều tra thương mại kéo dài một năm do các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Mỹ yêu cầu, với cáo buộc rằng các công ty Trung Quốc sản xuất tại Đông Nam Á đang bán phá giá và nhận trợ cấp không công bằng từ chính phủ, làm méo mó thị trường. Đơn kiện được khởi xướng bởi các nhà sản xuất như Hanwha Qcells (Hàn Quốc), First Solar Inc (Mỹ) và một số công ty nhỏ khác nhằm bảo vệ hàng tỷ USD đầu tư mới vào sản xuất pin mặt trời tại Mỹ.
Đáng chú ý, đối với Việt Nam, mức thuế lên tới 542,64% sẽ là cú sốc lớn cho ngành xuất khẩu năng lượng xanh. Mỹ vốn là một trong những thị trường lớn nhất tiêu thụ thiết bị năng lượng mặt trời của Việt Nam. Việc đánh thuế cao như vậy không chỉ làm tăng chi phí đáng kể mà còn có nguy cơ khiến các nhà sản xuất Việt Nam mất thị phần tại Mỹ, buộc phải tìm kiếm các thị trường thay thế hoặc phải dịch chuyển sản xuất.
Theo Bloomberg NEF, trong năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu 12,9 tỷ USD thiết bị năng lượng mặt trời từ Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Campuchia, chiếm khoảng 77% nguồn cung pin mặt trời nhập khẩu. Với mức thuế cao ngất ngưởng vừa được áp dụng, lượng hàng từ bốn quốc gia này dự kiến sẽ giảm mạnh, trong khi nhập khẩu từ các nước khác như Lào và Indonesia có thể tăng lên để lấp khoảng trống nguồn cung.
Ông Tim Brightbill, luật sư đại diện cho các nhà sản xuất Mỹ, khẳng định: "Đây là kết quả rất mạnh mẽ. Chúng tôi tin rằng các mức thuế này sẽ giải quyết hiệu quả các hành vi thương mại không công bằng kéo dài nhiều năm qua".
Tuy nhiên, Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời Hoa Kỳ (SEIA) lại cảnh báo rằng các mức thuế cao này có thể phản tác dụng, làm tăng giá thành tấm pin, gây thiệt hại ngược lại cho ngành sản xuất trong nước – vốn đang tăng tốc phát triển nhờ các chính sách hỗ trợ năng lượng sạch từ năm 2022.
Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đang đối mặt với sức ép rất lớn. Nếu không kịp thích ứng, nguy cơ mất thị trường Mỹ và thiệt hại doanh thu trong thời gian tới là rất rõ ràng. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi cấp bách đặt ra là Việt Nam cần nhanh chóng chuyển hướng, mở rộng các thị trường mới như châu Âu, Nhật Bản, Australia, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế chặt chẽ hơn để ứng phó với các rào cản thương mại đang gia tăng.
Dự kiến trong tháng 6 tới, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ bỏ phiếu để quyết định có duy trì mức thuế này lâu dài hay không, tùy theo việc đánh giá thiệt hại thực tế đối với ngành sản xuất năng lượng mặt trời nội địa Mỹ.
Theo chuyên gia, việc áp thuế mới có thể làm tăng giá pin mặt trời tại Mỹ, ảnh hưởng đến các dự án năng lượng sạch. Trong khi đó, các nhà sản xuất Đông Nam Á sẽ phải tìm cách thích nghi hoặc chuyển hướng thị trường xuất khẩu.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi Mỹ dừng các biện pháp "áp lực cực độ", nhưng hai bên vẫn chưa có động thái đàm phán. Các nhà phân tích cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nếu Mỹ và Trung Quốc không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến một cuộc chiến thương mại kéo dài.
Trước đó, vào ngày 15/4, Nhà Trắng thông báo Trung Quốc đang phải đối mặt với mức thuế lên tới 245% đối với một số mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm cả thuế quan từ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump và Joe Biden.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, đặt ra thách thức lớn cho sự ổn định kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
© thitruongbiz.vn