Miniso từng được coi là hiện tượng thành công ở thị trường nhượng quyền thương mại (franchise) tại Việt Nam. Đến hiện tại, chuỗi bán lẻ này đang dần mất đi sức ảnh hưởng của mình trên thị trường.
Năm 2013, hai nhà sáng lập Diệp Quốc Phú (Ye Guo Fu) và Miyake Jun (một nhà thiết kế người Nhật) cùng thành lập ra Miniso, được điều hành bởi thương hiệu cửa hàng phụ kiện các loại "Aiyaya" do Diệp Quốc Phú điều hành.
Đến năm 2015, Miniso liên tục ký kết hợp đồng nhượng quyền thương hiệu với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển trong khu vực ASEAN.
Tại Việt Nam, Miniso đã nhượng quyền thương hiệu cho Tập đoàn Lê Bảo Minh – Nhà phân phối chính thức của Canon (Nhật Bản) tại Việt Nam. Cùng với đó, nhà bán lẻ đến từ Trung Quốc đã lựa chọn nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP làm đại sứ thương hiệu trong vòng 2 năm tại thị trường Việt Nam.
Tháng 8/2017, Công ty TNHH MTV Miniso Việt Nam (Miniso Việt Nam) chính thức được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng, do bà Lê Thị Ngọc Hải – Chủ tịch HĐQT Lê Bảo Minh – làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Bà Hải cũng là chủ sở hữu 100% vốn tại công ty này.
Hai tháng sau đó, Miniso Việt Nam công bố chính sách nhượng quyền và nhận được sự quan tâm của hơn 200 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Được biết, nhà đầu tư phải trả ít nhất 6 tỷ đồng để nhận nhượng quyền một cửa hàng Miniso Việt Nam.
Khi mới gia nhập thị trường Việt Nam, Miniso đã tạo nên một 'cơn sốt'. |
Chỉ với khoảng 40.000 - 70.000 đồng, bạn đã có thể sở hữu từ phụ kiện điện thoại, trang sức, mỹ phẩm cho tới những vật dụng gia đình... đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, từ các em nhỏ cho tới các bạn học sinh, sinh viên, phụ nữ, các bà nội trợ... hay kể cả các đấng mày râu. Đó là những thông tin được người tiêu dùng chuộng hàng Nhật nội địa chia sẻ về thương hiệu chuỗi cửa hàng Miniso tại thời điểm thương hiệu này phát triển rộng rãi tại Việt Nam.
Thời trang tiêu dùng nhanh là chủ đề trọng tâm của Miniso. Việc lựa chọn sản phẩm phù hợp từ tất cả các nơi trên thế giới, với hơn 80% sản phẩm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc và các nước khác cho phép Miniso đáp ứng được mọi phân khúc khách hàng. Hầu hết các cửa hàng Miniso được đặt trong các trung tâm mua sắm lớn tại những khu vực đông người.
Phân khúc thị trường, đặc tính thương hiệu, giá cả, mẫu mã, chất lượng của Miniso phù hợp với đại đa số người Việt. Đặc biệt, sự thành công khá rầm rộ của các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan… khiến Tập đoàn Lê Bảo Minh khá tự tin trong việc nhân bản thành công mô hình chuỗi cửa hàng nhượng quyền này tại Việt Nam.
Sau hai năm xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cửa hàng nhượng quyền tại Việt Nam, Miniso Việt Nam tiến hành “bán mình” cho công ty Miniso mẹ ở Trung Quốc.
Cụ thể, vào tháng 11/2019, bà Lê Thị Ngọc Hải không còn đứng tên là chủ sở hữu của Miniso Việt Nam. Thay vào đó, có hai thành viên góp vốn sở hữu 100% cổ phần tại công ty này là Miniso International Hong Kong Limited (90% vốn điều lệ) và bà Phạm Thị Mai (10% vốn điều lệ).
Bà Phạm Thị Mai cũng thay thế bà Lê Thị Ngọc Hải đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất ở Miniso Việt Nam. Vị trí này sau đó tiếp tục được chuyển giao sang ông Fu Jian (SN 1991), và sau đó là ông Huỳnh Huệ Long (SN 1989) – được bổ nhiệm vào tháng 10/2020.
Trên trang chủ, Miniso Việt Nam cho biết đang sở hữu hệ thống gần 50 cửa hàng nhượng quyền trải dài từ Bắc vào Nam, tập trung chủ yếu tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ngay từ khi mới gia nhập thị trường, đại diện Miniso từ Trung Quốc tự tin sẽ mở 200 cửa hàng từ nay đến 2021. Đây không phải quyết định táo bạo, mà đã được nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng. Nguyên nhân do những người trong độ tuổi 18-35 tiếp cận thông tin dễ dàng, thu nhập tăng lên. Không chỉ ở thành phố lớn, người tiêu dùng trẻ tại các tỉnh cũng thích sản phẩm hợp thời trang, muốn trải nghiệm dịch vụ bán hàng tốt nhất.
Trước khi vào Việt Nam, Miniso đã gây bão dư luận về nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc hay Nhật Bản. Trong khi tất cả sản phẩm Miniso hiện nay đều được nhập từ Trung Quốc, có giá rẻ. Đa phần người Nhật không biết đến Miniso. Hơn nữa, thương hiệu này còn dính rắc rối khi sử dụng tiếng Nhật cũng thiếu chính xác trên bao bì sản phẩm của mình.
Những điều này khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ, Miniso thực chất là hàng Trung Quốc mượn danh Nhật Bản? Trước đó, khi đặt chân đến Singapore, Miniso cũng bị đặt nghi vấn tương tự.
Cũng giống Miniso, Mumuso có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại đội lốt Hàn Quốc và đang “vươn vòi” ra khắp châu Á, lợi dụng làn sóng Kpop lừa gạt người tiêu dùng. Và người tiêu dùng Việt Nam không phải ngoại lệ.
Hiện tại, Miniso đã có mặt tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 5.000 cửa hàng hiện diện trên khắp thế giới, phủ khắp các khu kinh doanh chính của các thành phố nổi tiếng như New York, Los Angeles, Paris, London, Dubai, Sydney và Istanbul.
Năm tài chính 2020 – 2021 (kết thúc vào ngày 30/6/2021), Miniso ghi nhận doanh thu đạt 9,07 tỷ CNY (tương đương 1,4 tỷ USD), tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng đạt 480,1 triệu CNY (tương đương 74,4 triệu USD), giảm hơn một nửa so với năm 2020.
Lũy kế 9 tháng năm tài chính 2021 – 2022, Miniso ghi nhận doanh thu đạt 7,76 tỷ CNY (tương đương 1,22 tỷ USD), tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng là 431,2 triệu CNY (tương đương 68 triệu USD), trong khi cùng kỳ năm trước báo lỗ 1,54 tỷ CNY.
Tại ngày 31/3/2022, tổng tài sản của Miniso đạt 10,89 tỷ CNY, tương đương hơn 1,7 tỷ USD. Trong đó, tiền và tương đương tiền chiếm 48,3%, đạt 5,26 tỷ CNY, tương đương 831,3 triệu USD. Lỗ lũy kế là 2,14 tỷ CNY, tương đương 339 triệu USD.
Tại thị trường Việt Nam, trong 2 năm trở lại đây, hệ thống các cửa hàng của Miniso hiện đìu hiu, vắng khách, không còn lại "hiện tượng" hay "cơn sốt", nhất là sau nhiều lùm xùm về thương hiệu này.
URL: https://thitruongbiz.vn/miniso-kinh-doanh-the-nao-khi-do-bo-vao-thi-truong-viet-nam-d7712.html
© thitruongbiz.vn