Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank - mã chứng khoán LPB) vừa công bố thông tin bổ sung nội dung họp đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến diễn ra vào ngày 22/9 tới.
"Việc đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ giúp ngân hàng đa dạng hoá kênh đầu tư và tối ưu hoá vốn góp của cổ đông bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi", theo tờ trình.
HĐQT ngân hàng đề xuất với ĐHĐCĐ kế hoạch mua 5% vốn điều lệ của FPT tại thời điểm triển khai, thực hiện giao dịch mua cổ phần và tổng giá trị đầu tư không vượt quá tỷ lệ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024, 2025 hoặc thời điểm phù hợp sau khi có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
Hiện FPT có vốn điều lệ 14.604 tỷ đồng, tương ứng với hơn 1,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. LPBank mua tối đa 5% vốn FPT tương ứng với số cổ phiếu dự kiến mua vào là khoảng 73 triệu đơn vị.
Ước tính ở vùng giá hiện tại quanh 135.000 đồng/cổ phiếu, LPBank sẽ chi khoảng hơn 9.800 tỷ đồng để sở hữu cổ phần FPT.
Ngoài việc mua cổ phần FPT, HĐQT LPBank cũng trình ĐHCĐ bất thường nhiều nội dung quan trọng khác gồm tăng vốn điều lệ và bầu bổ sung thành viên HĐQT.
Theo đó, thay vì tăng vốn điều lệ qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, LPBank dự kiến trình phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. LPBank đề xuất sử dụng hơn 4.296 tỷ đồng lợi nhuận để chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 16,8%. Nếu được thông qua, vốn điều lệ của LPBank sẽ tăng từ 25.576 tỷ đồng lên hơn 29.873 tỷ đồng.
Đồng thời, LPBank cũng sẽ tiến hành bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị và 2 thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ IV (2023-2028).
Hiện HĐQT LPBank có 7 thành viên, trong đó Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Đức Thụy. 4 Phó Chủ tịch HĐQT là ông Lê Minh Tâm, ông Hồ Nam Tiến, ông Nguyễn Văn Thùy, ông Bùi Thái Hà và 2 thành viên HĐQT là ông Huỳnh Ngọc Huy và ông Lê Hồng Phong.
Về tình hình kinh doanh, quý II/2024, LPBank đã có quý kinh doanh tốt nhất trong lịch sử. Tổng thu nhập hoạt động đạt 4.834 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 3.022 tỷ đồng, tăng mạnh 244% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ 3 liên tiếp nhà băng này ghi nhận mức tăng trưởng rất cao này.
Về chất lượng tài sản, tại thời điểm 30/6/2024, tỷ lệ nợ xấu của LPBank đạt 1,73%, giảm so với mức 2,43% cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên nếu so sánh với quý IV/2023 (1,34%) và quý I/2024 (1,39%) thì chất lượng tài sản của ngân hàng đã kém đi rất nhiều. Đặc biệt là nợ nhóm 5 tăng 98% so với đầu năm, với tỷ lệ tăng lên 0,73% vào quý II/2024 so với 0,42% đầu năm. Nợ nhóm 3 cũng tăng mạnh 69% so với đầu năm.
Việc nợ xấu ở các nhóm nợ đang trong xu hướng tăng sẽ khiến cho ngân hàng chịu thêm nhiều chi phí trích lập dự phòng trong các quý tới. Do nợ xấu tăng nhanh bào mòn bộ đệm dự phòng nên tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu giảm từ 89% hồi đầu năm xuống còn 77%.
URL: https://thitruongbiz.vn/lpbank-se-mua-5-von-fpt-so-tien-du-chi-gan-10000-ty-dong-d16524.html
© thitruongbiz.vn