Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - HoSE: LPB) thông báo nhận được công văn chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước về việc tăng vốn điều lệ thêm gần 4.300 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (mã chứng khoán LPB) tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.296.795.570.000 đồng từ nguồn lợi nhuận lũy kế chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 đã được Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 của LPBank thông qua tại Nghị quyết ngày 16/11/2024 và được Hội đồng quản trị LPBank thông qua tại Nghị quyết số 4097/2024/NQ-HĐQT ngày 20/11/2024 và Nghị quyết số 4363/2024/NQ-HĐQT ngày 12/12/2024.
Cụ thể, LPB dự kiến phát hành hơn 429,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 16,8%. Điều này có nghĩa là cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu hiện hữu sẽ nhận thêm 168 cổ phiếu mới. Giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 4.296 tỷ đồng.
Sau phát hành, vốn điều lệ của LPB dự kiến sẽ đạt gần 29.873 tỷ đồng.
LPB là một trong số những ngân hàng sắp gia nhập cuộc đua tăng vốn, góp phần tạo ra làn sóng tích cực với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày hôm qua 17/12, cổ phiếu LPB đã tăng 0,3% và đóng cửa ở mức 33.250 đồng/cổ phiếu. Tính chung từ đầu năm đến nay, thị giá LPB đã tăng 111,11%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 34.250 đồng/cổ phiếu (06/12/2024) và giá đóng cửa thấp nhất là 16.050 đồng/cổ phiếu (02/01/2024).
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông LPB đã thông qua tờ trình mua tối đa 5% vốn điều lệ của CTCP FPT nhằm mở rộng và nâng cao vị thế của LPB trên thị trường tài chính, đồng thời tạo cơ hội cho ngân hàng hợp tác với các đối tác lớn, nâng cao năng lực và hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới.
Tại đại hội bất thường vừa qua, cổ đông LPBank đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT đối với ông Lê Hồng Phong và ông Lê Minh Tâm. Ở chiều ngược lại, bà Vương Thị Huyền và ông Phạm Phú Khôi được bầu bổ sung thay thế.
Một trong những nội dung đáng chú ý khác được đại hội thông qua là kế hoạch mua tối đa 5% vốn điều lệ, tương đương 73 triệu cổ phiếu của CTCP FPT (HOSE: FPT) – một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam.
Theo tờ trình của LPBank, việc đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ giúp ngân hàng đa dạng kênh đầu tư và tối ưu vốn góp của cổ đông. Trong đó, HĐQT nhận thấy cổ phiếu của FPT "có tiềm năng mang lại tỷ suất sinh lời hấp dẫn và góp phần đa dạng hóa danh mục tài sản".
Chia sẻ về tình hình kinh doanh, tại đại hội bất thường, ông Bùi Thái Hà, Phó Chủ tịch HĐQT nhận định LPBank là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất hệ thống. Đến cuối tháng 10/2024, tổng tài sản đạt 460.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng khoảng 18%, lợi nhuận xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng của năm 2024, lũy kế lợi nhuận trước thuế đạt 8.818 tỉ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ và là mức lợi nhuận 9 tháng cao nhất từ trước đến nay của Ngân hàng nhờ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm; kiểm soát tốt chi phí với tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập thuần) ở mức 29%, giảm 7,7% so với cuối năm trước và giảm tới 16,4% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận của LPB tăng mạnh còn nhờ ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu, thúc đẩy bán chéo các sản phẩm dịch vụ như dịch vụ kinh doanh ngoại tệ, kiều hối, xuất nhập khẩu, chuyển tiền … với tỷ trọng thu từ nguồn phi tín dụng so với tổng thu nhập tăng đáng kể từ 13,98% lên 23,64%.
Tính đến cuối quý III/2024, LPB đã duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) vượt ngưỡng 13%, tiếp tục khẳng định vị thế trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ CAR cao so với mặt bằng chung của thị trường.
URL: https://thitruongbiz.vn/lpbank-duoc-chap-thuan-tang-von-len-gan-30000-ty-dong-d26602.html
© thitruongbiz.vn