Theo Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), với cộng đồng doanh nghiệp (DN), các hỗ trợ về chính sách không thể trong ngắn hạn, trong vài tháng, mà cần đủ dài. Do đó, VACD kiến nghị Chính phủ 5 nhóm chính sách hỗ trợ áp dụng cho các năm 2021, 2022 và 2023 để cứu DN.
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cho rằng, mỗi gói hỗ trợ mang tính khẩn cấp đều có thời hạn. Tuy nhiên, đối với các DN, các hỗ trợ về chính sách không thể trong ngắn hạn, trong vài tháng, mà cần đủ dài để tính toán, cân đối các nguồn lực xem có thể kinh doanh liên tục được hay không trong và sau khi đại dịch COVID-19.
Trong bản kiến nghị gửi Thủ tướng, VACD cho rằng, các chính sách nên được ấn định cho các năm 2021, 2022 và 2023 là hợp lý. VACD tập trung vào phân tích một số giải pháp mà hội này cho là cấp bách và khả thi. Theo đó, VACD đề xuất 5 nhóm chính sách liên quan đến thuế và tiền tệ, chính sách dành cho người lao động, vai trò điều phối các nguồn lực của Chính phủ và một số vấn đề về chiến lược quản trị quốc gia trong dài hạn.
Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp với tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa
Về thuế giá trị gia tăng, VACD đề nghị giảm 50% cho năm 2021 và 2022, giảm 30% cho năm 2023 cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các lĩnh vực đang cực kỳ khó khăn như du lịch, khách sạn, vận tải…cần được miễn thuế này trong năm 2021và 2022, giảm 50% trong năm 2023 để những lĩnh vực này có điều kiện phục hồi trở lại.
Ngoài ra, giãn thời hạn nộp thuế tối thiểu 12 tháng từ khi hết dịch và hoãn thuế cho đến khi DN hồi phục và có khả năng để nộp.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, VACD đề nghị tiếp tục giảm 30% trong năm 2021, 2022 và giảm 25% năm 2023 cho tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh khoản đóng góp Quỹ phòng, chống vaccine COVID-19 do Bộ Tài chính quản lý, một số khoản cũng cần được tính là chi phí và được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp như: Chi phí chi trả cho nhân viên trong giai đoạn cách ly do COVID-19; hỗ trợ nhân viên mắc COVID-19; hỗ trợ nhân viên xét nghiệm, khám sức khỏe, phòng chống dịch do DN hoặc các đơn vị chức năng thực hiện; chi phí duy trì sản xuất kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh, chi phí phát sinh khi bị ngừng hoạt động.
Các khoản này không nên bị tính vào các khoản phúc lợi khi được thực hiện bằng tiền mặt hoặc bằng hình thức khác và không nhất thiết phải đáp ứng yêu cầu dùng hình thức thanh toán không bằng tiền mặt đối với khoản chi từ 20 triệu đồng trở lên.
Trong thời gian các tỉnh, thành phố yêu cầu các đơn vị kinh doanh không thuộc ngành hàng thiết yếu ngừng hoạt động, nếu phát sinh chi phí thì được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Kiến nghị 5 nhóm chính sách hỗ trợ dài hạn, áp dụng trong 3 năm tới để cứu doanh nghiệp |
Hiện DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực đều trong tình trong tình trạng bị lỗ toàn doanh nghiệp, nhưng vẫn phải nộp thuế đối với các lĩnh vực có kết quả kinh doanh có lãi. Do vậy, VACD kiến nghị cho phép được bù trừ lãi và lỗ từ các hoạt động kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế, để đảm bảo công bằng trong hoạt động chung của doanh nghiệp.
Đối với kinh tế hộ và cá nhân sản xuất kinh doanh, VACD đề nghị giảm 70% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho năm 2021, và giảm 50% cho các năm 2022, 2023.
Với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, VACD nhất trí với việc thành lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ. Tổ này sẽ phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng để sớm có được các hỗ trợ chính sách về thuế phù hợp cho khu vực quan trọng này, đặc biệt đối với các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Về thuế thu nhập cá nhân, VACD đề xuất sớm điều chỉnh biểu thuế tại Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trước mắt, trog năm 2021, 2022 và 2023 miễn thuế thu nhập cá nhân với nhóm cá nhân có thu nhập chịu thuế ở bậc thấp dưới 15 triệu đồng/người/tháng. Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho cả năm 2021, 2022 đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Cho phép tính trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân các khoản đóng góp ủng hộ chống dịch COVID-19. Chi phí cách ly của người lao động nên được trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của họ.
VACD cũng có các kiến nghị về việc kê khai, quyết toán các sắc thuế nói chung như: Cho phép giãn khấu hao tài sản cố định theo tỷ lệ hao hụt doanh thu hoặc hao hụt lợi nhuận tùy theo điều kiện nào tốt hơn. Cho phép tách giãn khấu hao cho từng lĩnh vực hoạt động, rà soát lại và xem xét tạm dừng áp dụng một số quy định trong Chuẩn mực Kế toán, kiến nghị về các quy định liên quan đến “xác định giá giao dịch liên kết”.
Đặc biệt, VACD kiến nghị không phạt thuế, không tính tiền chậm nộp thuế trong giai đoạn dịch COVID-19.
Cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Bên cạnh đề nghị giảm 50% các loại phí ngân hàng cho doanh nghiệp, VACD cho rằng, các khoản vay ngắn, trung và dài hạn cần có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay ít nhất là 4%/năm (tương đương gói hỗ trợ năm 2008 - 2009) tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế, thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng, kể từ tháng 8/2021.
Khoản đi vay của doanh nghiệp để trả lương cho người lao động và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cần có chính sách hỗ trợ lãi suất 100%.
Thực hiện khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản nợ mà khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà không bị ảnh hưởng nhảy nhóm nợ.
Theo VACD, các thời hạn được quy định trong Thông tư số 03/2021/TT-NHNN quá ngắn so với những khó khăn của DN đã và đang gặp phải do dịch bệnh đến nay chưa có dấu hiệu giảm. Vì vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có văn bản mới gia hạn các điều khoản trong thông tư này ít nhất 1 năm nữa hoặc hết thời điểm Việt Nam công bố tình trạng “bình thường mới”, nên có đường dây nóng để tiếp nhận và phản hồi phản ánh từ doanh nghiệp.
Chính phủ nên cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chính phủ mua có điều kiện với lãi suất 0% trong thời gian dịch COVID-19 và lãi suất thấp trong vòng 3-5 năm tiếp theo để tạo nguồn vốn tái cơ cấu, tái sản xuất và giúp doanh nghiệp sớm phục hồi.
Mở rộng đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 68
VACD khuyến nghị Chính phủ cập nhật và đánh giá ít nhất 2 tháng/lần cho tất cả các tỉnh, thành phố việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 để tránh tình trạng các doanh nghiệp không tiếp cận được, hoặc rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Đề nghị Chính phủ mở rộng đối tượng hỗ trợ tại Nghị quyết 68, không chỉ đối với người lao động đã nghỉ việc hoặc DN đóng cửa mà cho cả toàn bộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực hộ và cá nhân kinh doanh.
Đồng thời có thể nghiên cứu để có các biện pháp mạnh hơn trong việc hỗ trợ tiền trực tiếp cho người lao động như: Hỗ trợ tiền một lần trực tiếp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch với mức chi tương đương 30 - 50% mức lương cơ sở đóng BHXH của người lao động tại thời điểm chi trả tiền hỗ trợ. Hỗ trợ tối thiểu 30 - 50% lương cơ sở đóng BHXH cho người lao động bị ngừng việc/chờ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh mà DN phải trả cho người lao động.
Tiền bảo hiểm bắt buộc và kinh phí công đoàn nên được miễn trong thời gian người lao động bị ngừng/chờ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Giảm 50% trong 6 tháng tiếp theo khi người lao động có việc làm/đi làm trở lại và giảm 30% cho 6 - 12 tháng kế tiếp. Thời hạn nộp các loại bảo hiểm cho người lao động cũng nên cho phép giãn/hoãn ít nhất đến cuối năm 2021.
Dành một phần tiền từ các quỹ để hỗ trợ DN và người lao động
Chính phủ nên làm việc với ngành điện để giảm ít nhất 20% tiền điện cho tất cả các đối tượng sử dụng trong thời hạn hết năm 2021. Tương tự như vậy, có các mức giảm phù hợp trên 50% đối với với các dịch vụ và sản phẩm thiết yếu như nước sạch, viễn thông, xăng dầu, phí BOT.. được cung cấp bởi các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Chính phủ nên cho kiểm kê các loại quỹ hiện có như Quỹ Hỗ trợ DN, Quỹ Khoa học - Công nghệ, Quỹ Công đoàn, Quỹ BHXH... để xem xét dành một phần hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong tình hình cấp bách nhằm sớm phục hồi sản xuất, giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định việc làm trở lại.
Chiến lược quản trị quốc gia trong dài hạn
VACD cho biết, ở góc độ quản trị chung cũng như tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, nhất là thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 - thời kỳ bình thường mới. Cần có biện pháp huy động và tập hợp trí tuệ của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để tư vấn cho Chính phủ xây dựng các kịch bản chiến lược phòng chống dịch bệnh, thiên tai và phát triển kinh tế trong dài hạn.
Các việc cần được nhìn xa hơn và dự báo xa hơn, các ảnh hưởng và tình huống cần được tiên liệu toàn diện và cụ thể hơn từ nhiều góc độ, các biện pháp kế hoạch cần được thiết kế sát thực tế, đầy đủ và thấu đáo hơn hơn.
Điều này sẽ đảm bảo tốt hơn cho việc thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược của Chính phủ. Việc tập hợp nguồn lực trí tuệ quốc gia này cần được thực hiện bài bản, khoa học, sâu sắc, thường xuyên và trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và tiếp nhận ý kiến phản biện nhiều chiều. Không đơn thuần dừng lại ở các buổi hội nghị, hội thảo gặp mặt không thường xuyên được diễn ra trong vài giờ đồng hồ.
Chính phủ cần tổ chức đầu mối để tiếp thu/tiếp nhận các ý kiến, sáng kiến, các kiến nghị đề xuất của cộng đồng để tổng hợp trình Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Bên cạnh đó, việc phân cấp mạnh mẽ cho các tỉnh, thành phố là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên rất cần một cơ chế điều hành thống nhất, tập trung, quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các vấn đề then chốt, có tính nguyên tắc cần được điều hành tập trung, hướng dẫn chu đáo, kịp thời và tuân thủ nghiêm ngặt, tuyệt đối tránh tình trạng chia cắt.
VACD cũng cho rằng, trong những thời khắc như hiện nay, trách nhiệm công vụ cùng với sự liêm chính và minh bạch, trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp cần được giữ gìn và phát huy một cách tuyệt đối. Chỉ như vậy mới giữ vững niềm tin của toàn dân, là nền tảng vững chắc nhất để bảo đảm thắng lợi của toàn dân tộc.
© thitruongbiz.vn