Năm 2025, Chính phủ tăng cường đầu tư công, đặt ra yêu cầu cao về giải ngân và huy động vốn của KBNN. Khối lượng vốn huy động dự kiến lên đến 500.000 tỷ đồng, đòi hỏi sự nỗ lực lớn.
Thời gian qua, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện theo đúng tinh thần “hành chính phục vụ”, KBNN đã tiếp tục mở rộng mạng lưới phục vụ thu NSNN, cho phép thu nộp NSNN 24/7, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Đây là ý kiến của bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng Giám đốc KBNN tại cuộc Họp báo kết quả công tác trọng tâm năm 2024 do KBNN tổ chức chiều 13/1 tại Hà Nội.
Lãnh đạo KBNN cho hay, cơ quan này đã tiếp tục mở rộng mạng lưới phục vụ thu NSNN, cho phép thu nộp NSNN 24/7, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Với kiểm soát chi, KBNN đã chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức làm công tác kiểm soát chi NSNN, bảo đảm chi NSNN chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, kịp thời ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Năm 2024 là năm thứ năm KBNN triển khai lập báo cáo tài chính nhà nước theo quy định của Luật Kế toán; theo đó, chất lượng của báo cáo tài chính nhà nước đã từng bước được cải thiện, cung cấp thêm một kênh thông tin quan trọng, tin cậy giúp Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp có được bức tranh tổng thể về tình hình tài chính nhà nước, phục vụ cho công tác quản lý điều hành và tăng cường tính công khai, minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình theo thông lệ quốc tế.
Theo bà Trần Thị Huệ, năm 2024, KBNN đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều hành ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất, chặt chẽ trong toàn hệ thống, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị giao dịch với KBNN, đặc biệt là các khoản chi an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và các khoản chi cấp bách khác. Ngân quỹ nhà nước được tiếp tục tập trung gửi toàn bộ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để vừa tạo thuận lợi cho việc quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước, vừa hỗ trợ trong việc thực thi chính sách tiền tệ. Nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được tiếp tục sử dụng cho ngân sách trung ương vay nhằm giảm áp lực huy động vốn từ thị trường, góp phần ổn định thị trường trái phiếu Chính phủ, đặc biệt trong những thời điểm thị trường tài chính – tiền tệ biến động mạnh.
Đáng chú ý, KBNN đã tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ với khối lượng phù hợp với nhu cầu vốn của NSNN, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả cũng như bám sát tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong nước và tồn ngân quỹ nhà nước.
Theo bà Trần Thị Huệ, những nỗ lực trong cải cách hành chính và hiện đại hóa công nghệ thông tin của KBNN đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản lý, cải thiện chất lượng phục vụ, và đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan. Đây là tiền đề quan trọng để hệ thống KBNN tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, minh bạch và hiệu quả trong những năm tới.
Theo đại diện KBNN, năm 2025 sẽ là một năm đầy thách thức do là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, Chính phủ tăng cường đầu tư công, đặt ra yêu cầu cao về giải ngân và huy động vốn của KBNN. Khối lượng vốn huy động dự kiến lên đến 500.000 tỷ đồng, đòi hỏi sự nỗ lực lớn.
Về Nghị định 24/2016/NĐ-CP quy định về chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước, bà Trần Thị Huệ cho biết, sau 8 năm thực hiện đã tạo hành lang pháp lý để quản lý ngân quỹ tập trung phù hợp với thông lệ quốc tế và Chiến lược phát triển hệ thống KBNN đến năm 2020; từ đó góp phần quản lý ngân quỹ theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, đến nay đã có những quy định chưa hoàn toàn phù hợp cần sửa đổi, bổ sung để việc quản lý ngân quỹ đáp ứng 2 mục tiêu: đảm bảo đám ứng nhu cầu thanh toán; đảm bảo sử dụng hiệu quả dòng tiền mang lại thuận lợi cho NSNN.
Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, ông Lưu Hoàng – Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (KBNN) cho biết, trong năm 2024, KBNN đã sử dụng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương vay 208.513 tỷ đồng, nâng mức dư nợ ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương vay cuối năm 2024 lên 400.350 tỷ đồng; qua đó, giảm chi phí vay khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm so với đi vay từ thị trường. Thông qua hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước, KBNN đã nộp vào ngân sách trung ương 2.850 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ; tính từ năm 2019 đến nay, tổng số nộp ngân sách trung ương từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ của KBNN đạt 26.244 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Quang- Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Pháp chế (KBNN) cho biết, trong năm 2024, KBNN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN đến năm 2025 và đã đạt được những kết quả tích cực. Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, chi NSNN qua hệ thống KBNN đã góp phần làm giảm số tiền và tỷ trọng thu, chi NSNN bằng tiền mặt so với tổng thu, chi NSNN qua KBNN. Cụ thể: Tỷ lệ thu NSNN bằng tiền mặt so với tổng thu NSNN qua KBNN năm 2024 còn 0,057% (giảm 0,012% so với năm 2023); Tỷ lệ chi NSNN bằng tiền mặt so với tổng chi NSNN qua KBNN năm 2024 còn 0,06% (giảm 0,037% so với năm 2023). Như vậy, KBNN cũng đã tiến rất gần tới mục tiêu "không tiền mặt".
Năm 2025, KBNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN. Cùng với đó, sẽ nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả và có khả năng liên thông; nghiên cứu để hoàn thiện các hệ thống thanh toán của KBNN phù hợp với lộ trình xây dựng mô hình thanh toán tập trung của KBNN theo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước được tập trung về tài khoản của KBNN tại ngân hàng thương mại.
"Thời gian tới, KBNN sẽ đẩy mạnh thu, chi qua KBNN bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước của KBNN tại các hệ thống ngân hàng thương mại. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát mở rộng địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản. Song song với đó sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và sắp xếp vị trí việc làm trong hệ thống KBNN đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt", ông Nguyễn Văn Quang nói.
Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN) cho hay: KBNN đang xây dựng và sắp xếp lại quy trình nghiệp vụ theo hướng đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến.
"Đơn vị sử dụng NSNN có thể gửi yêu cầu chi đến KBNN thông qua dịch vụ công trực tuyến, không cần đến trực tiếp", ông Trần Mạnh Hà nói.
© thitruongbiz.vn