Trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng HSBC đánh giá kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm kinh tế với nhiều nốt thăng trầm. Sau khởi đầu khó khăn trong quý I/2024, bức tranh kinh tế trong nước đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một "ngôi sao" tăng trưởng trong khối ASEAN.
Cụ thể, tăng trưởng được cải thiện và bất ngờ tăng lên lần lượt 6,9% trong quý II và 7,4% trong quý III năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi đã bắt đầu mở rộng ra các lĩnh vực khác không chỉ ở ngành điện tử tiêu dùng, mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn chưa quá tích cực bất chấp đã chứng kiến những cải thiện gia tăng.
Đã có những lo ngại rằng tác động của bão Yagi, cơn bão mạnh nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong 70 năm qua, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Theo các thống kê, các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề vào đầu tháng 9 với thiệt hại ước tính lên tới hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, tác động chủ yếu tập trung vào ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Trong khi đó, sản xuất và thương mại vẫn kiên cường và tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi.
Cụ thể hơn, đà tăng tốc của tiến trình hồi phục kinh tế trong nửa sau của năm nay tiếp tục được dẫn dắt bởi sản xuất, với mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tính chung 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng khích lệ là sự phục hồi thương mại ban đầu tập trung vào điện tử đang cho thấy dấu hiệu mở rộng, với xuất khẩu hàng dệt may và giày dép tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước trong quý III.
Về lĩnh vực vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Các khoản đầu tư nội khối ASEAN đang dẫn đầu, chiếm 40% dòng vốn đổ vào cho đến nay.
Shunsin, một công ty con của Foxconn, được cho là đã xin giấy phép đầu tư 80 triệu USD để sản xuất mạch tích hợp tại tỉnh Bắc Giang, cho thấy năng lực sản xuất tại Việt Nam đang được cải thiện.
Không chỉ riêng sản xuất điện tử mà cả những lĩnh vực giá trị công thêm cao cũng đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia lớn như Google dự định mở văn phòng tại Việt Nam vào tháng 4/2025 và NVIDIA mở trung tâm R&D để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, HSBC cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn còn những nốt trầm. Theo đó, tiêu dùng bán lẻ trong nước đang phục hồi chậm hơn dự kiến ban đầu, với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch và sự phục hồi chưa mấy rõ rệt.
Hay như tỷ giá USD-VNĐ tiếp tục chứng kiến một năm với rất nhiều biến động khó lường. Cũng như nhiều loại tiền tệ khác trong khu vực, ngoại tệ của các quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam đang đứng trước nhiều biến số khó lường trong thời gian gần đây do những nhiễu động trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và các căng thẳng địa chính trị khác.
Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, cao hơn kế hoạch và tương đương mức phấn đấu thực hiện năm nay của Chính phủ, là trên 7%, phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện trong hoạt động kinh tế trong năm sau.
HSBC đánh giá có cơ sở để đặt ra kỳ vọng này. Ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm ngoái một cách mạnh mẽ. Điều này đã hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ ở mức hai chữ số, với mức tăng trưởng lan toả ra đồng đều hơn ở các lĩnh vực như sản phẩm nông nghiệp.
Tiếp nối đà hồi phục mạnh trong quý III/2024, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7,0% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.
Ngoài ra, HSBC duy trì dự báo lạm phát của Việt Nam ở mức 3,6% vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đối với năm 2025, HSBC duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,0%.
Bên cạnh các dự báo tích cực, HSBC đã đưa ra những rủi mà kinh tế Việt Nam có thể đối diện trong năm 2025. Ngoài giá năng lượng toàn cầu, theo HSBC, Việt Nam cũng dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực. Ví dụ, giá thịt lợn đã tăng cao do nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi. Hay là những rủi ro liên quan đến thuế quan khi ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025 tới.
© thitruongbiz.vn