ENSO (El Niño – Dao động Nam) là hiện tượng khí hậu tự nhiên ảnh hưởng sâu rộng đến thời tiết toàn cầu. ENSO tác động mạnh đến nhiệt độ, lượng mưa, bão lũ và là yếu tố thúc đẩy biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.
ENSO là tên viết tắt của “El Niño – Southern Oscillation”, tức là dao động Nam dao El Niño. Đây là một hiện tượng khí hậu tự nhiên có chu kỳ, xuất hiện ở vùng xích đạo trung tâm và phía đông Thái Bình Dương.
ENSO là sự dao động giữa hai trạng thái chính: El Niño (pha nóng) và La Niña (pha lạnh), cùng với một giai đoạn trung tính xen kẽ. Hiện tượng này ảnh hưởng mạnh mẽ đến thời tiết, khí hậu toàn cầu và gây ra nhiều tác động đáng kể lên sản xuất nông nghiệp, tài nguyên nước, cũng như các hệ sinh thái.
ENSO là hệ thống khí hậu gồm ba pha:
- El Niño: Là pha nóng của ENSO. Khi xảy ra, nhiệt độ mặt nước biển ở vùng trung tâm và phía đông Thái Bình Dương xích đạo ấm lên bất thường, làm thay đổi hướng gió, dòng biển và lượng mưa. El Niño thường gây hạn hán ở Đông Nam Á, Úc, Ấn Độ, và mưa lũ ở một số khu vực Nam Mỹ.
- La Niña: Là pha lạnh của ENSO. Nhiệt độ mặt biển ở khu vực này lạnh hơn bình thường, làm gia tăng sự chênh lệch áp suất khí quyển. La Niña thường gây lũ lụt, mưa lớn ở Đông Nam Á, trong khi lại dẫn đến hạn hán ở bờ tây Nam Mỹ.
- ENSO trung tính: Là trạng thái không có El Niño hoặc La Niña rõ rệt, nhưng vẫn có những biến động khí hậu nhẹ do dao động tự nhiên của khí quyển và đại dương.
Mặc dù ENSO là một hiện tượng khí hậu tự nhiên, nhưng nó có thể khuếch đại tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể, El Niño làm tăng nhiệt độ toàn cầu tạm thời, góp phần vào các kỷ lục nắng nóng. Ví dụ, năm 2016 được xem là năm nóng nhất lịch sử, trùng với một đợt El Niño mạnh.
La Niña có thể làm giảm nhiệt độ trung bình toàn cầu nhẹ, nhưng lại gây ra thời tiết cực đoan như lũ lụt, bão mạnh, gây thiệt hại lớn.
ENSO cũng có thể làm thay đổi mô hình gió mùa, tăng cường các cơn bão hoặc làm gián đoạn chu kỳ mưa, từ đó ảnh hưởng đến an ninh lương thực và nguồn nước trên quy mô toàn cầu.
Theo báo cáo của IPCC (Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu), tần suất và cường độ của ENSO có xu hướng biến động bất thường dưới tác động của biến đổi khí hậu, khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng khó dự báo và nguy hiểm hơn.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt nhất từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu.
Đơn cử, trong nông nghiệp, El Niño thường dẫn đến hạn hán nghiêm trọng, thiếu nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên. Năm 2015–2016, đợt El Niño mạnh đã gây hạn hán lịch sử, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân. La Niña lại gây mưa lớn kéo dài, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt ở miền Trung và Bắc Bộ.
Với ngành ngư nghiệp và kinh tế biển, ENSO làm thay đổi dòng hải lưu, ảnh hưởng đến mùa vụ và ngư trường cá. Trong El Niño, một số vùng biển Việt Nam ghi nhận sản lượng hải sản giảm rõ rệt.
Trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, ENSO khiến cho khả năng dự báo thời tiết trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi ngành khí tượng thủy văn và phòng chống thiên tai của Việt Nam cần có các kịch bản ứng phó linh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng.
ENSO không phải là hiện tượng mới, nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, sự bất thường và cường độ của ENSO đang trở nên đáng lo ngại hơn. Việt Nam – với vị trí địa lý đặc thù ven biển và nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nông nghiệp – cần quan tâm đặc biệt đến hiện tượng này.
Việc tăng cường hệ thống dự báo khí hậu, nâng cao năng lực ứng phó thiên tai và xây dựng chiến lược phát triển bền vững là những giải pháp thiết thực để giảm thiểu tác động của ENSO trong tương lai.
Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (PIK) của Đức mới đây đã đưa ra một dự báo đáng lo ngại: Trái Đất có thể sẽ ấm lên đến 7°C vào năm 2200, ngay cả khi lượng khí thải carbon dioxide (CO2) chỉ ở mức trung bình.
Theo nghiên cứu, nếu không hành động quyết liệt hơn, chúng ta có thể đang để lại cho thế giới một tương lai khắc nghiệt. Thời tiết cực đoan sẽ trở nên phổ biến hơn, tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, làm giảm sản lượng lương thực và đẩy thế giới đến bờ vực của những cuộc khủng hoảng lương thực diện rộng.
Đồng thời, băng tan khiến mực nước biển dâng cao, đe dọa các khu đô thị ven biển, buộc hàng triệu người phải di dời do ngập lụt. Các hiện tượng thiên tai như hạn hán, cháy rừng, bão lớn và lũ lụt sẽ xảy ra với tần suất dày đặc hơn, còn những đợt nắng nóng vào mùa hè có thể đạt đến mức nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Bà Christine Kaufhold, trưởng nhóm nghiên cứu tại PIK, cho biết kết quả lần này cho thấy mức độ nóng lên toàn cầu có thể cao hơn nhiều so với những gì các mô hình trước đó từng dự đoán – kể cả trong các kịch bản phát thải thấp và trung bình. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc không chỉ giảm phát thải mà còn đẩy mạnh các giải pháp loại bỏ khí carbon đã tích tụ trong khí quyển.
Khí nhà kính – đặc biệt là CO2 và methane – vốn được thải ra chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên. Bên cạnh đó, còn có những nguồn tự nhiên khác như phun trào núi lửa hay sự phân hủy chất hữu cơ trong đất ngập nước. Do vậy, các nhà khoa học đang kêu gọi phát triển những công nghệ có thể thu giữ và loại bỏ khí nhà kính hiệu quả hơn.
Để đưa ra những dự báo trong nghiên cứu lần này, các chuyên gia đã sử dụng mô hình CLIMBER-X – một hệ thống mô phỏng khí hậu mới được phát triển. Mô hình này tích hợp nhiều yếu tố vật lý, sinh học và địa hóa học, từ điều kiện khí quyển, dòng hải lưu, đến các phản ứng hóa học liên quan đến khí methane – vốn có tác động làm ấm khí hậu mạnh gấp nhiều lần CO2.
Nghiên cứu đã phân tích ba kịch bản khác nhau gọi là “Con đường kinh tế xã hội chung” (SSP), mô phỏng các mức phát thải khác nhau từ thấp đến cao trong suốt thiên niên kỷ tới. Trong khi phần lớn các dự báo khí hậu trước đây chỉ tập trung đến năm 2300, thì mô hình CLIMBER-X cho thấy nguy cơ đạt đỉnh nóng lên cực đoan có thể xảy ra sớm hơn và dữ dội hơn. Thậm chí, ngay cả khi con người dừng hoàn toàn lượng phát thải ngay lúc này, vẫn có 10% khả năng Trái Đất sẽ tăng thêm ít nhất 3°C vào năm 2200.
Một yếu tố then chốt được nhấn mạnh là hiệu ứng vòng phản hồi khí hậu – tức một thay đổi khí hậu có thể kích hoạt các thay đổi tiếp theo, làm quá trình nóng lên trở nên không thể kiểm soát. Ví dụ, khi lượng mưa tăng làm cỏ phát triển nhanh hơn, nhưng khi khô lại, chúng trở thành nhiên liệu lý tưởng cho các đám cháy rừng. Hay khi CO2 hòa tan vào nước mưa, chúng có thể ăn mòn đá và giải phóng thêm CO2 vào khí quyển – một vòng lặp làm tăng khí nhà kính tự nhiên.
Đáng lo ngại hơn, các vòng phản hồi này có thể tiếp diễn ngay cả khi con người giảm phát thải trong tương lai, bởi phần lớn lượng khí nhà kính hiện nay sẽ còn tồn tại lâu dài trong khí quyển và tiếp tục phát huy tác động.
Ông Matteo Willeit, đồng tác giả nghiên cứu, cảnh báo rằng để giữ mục tiêu Thỏa thuận Paris – giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2°C – nhân loại phải cắt giảm carbon nhanh hơn rất nhiều so với các kế hoạch hiện tại.
Hành động mà chúng ta thực hiện ngày hôm nay sẽ định hình số phận của sự sống trên Trái Đất trong hàng thế kỷ tới.
Ông Rockström cảnh báo rằng hệ thống khí hậu đang dần mất đi khả năng phục hồi, làm gia tăng mức độ nhạy cảm với biến động khí hậu và đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu. Theo ông, mục tiêu Thỏa thuận Paris không chỉ là cam kết chính trị, mà còn là ranh giới vật lý mà loài người buộc phải tuân thủ nếu muốn giữ cho hành tinh còn sống sót.
© thitruongbiz.vn