Một bài viết được đăng tải trên nhóm nội bộ dành cho các kỹ sư của Meta đã hé lộ nguyên nhân khiến Facebook không thể truy cập trong đêm 5/3 (theo giờ Việt Nam).
Facebook, Instagram, Threads, Messenger, WhatsApp đồng loạt bị sập trên toàn cầu vào tối 5/3 (theo giờ Việt Nam) vẫn là chủ đề gây xôn xao trong giới công nghệ cũng như trong cộng đồng người dùng internet trong suốt những ngày qua.
Ít phút sau khi sự cố xảy ra, đại diện Meta đưa ra thông báo trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) "Chúng tôi biết một số người dùng gặp vấn đề khi truy cập các ứng dụng của chúng tôi. Xin lỗi vì những sự bất tiện gây ra cho bạn và cảm ơn bạn đã kiên nhẫn chờ đợi trong khi đội ngũ của chúng tôi nhanh chóng giải quyết vấn đề".
Các dịch vụ của Meta, bao gồm Facebook, Instagram, Threads, Messenger, WhatsApp đồng loạt bị sập trên toàn cầu vào tối 5/3 vẫn đang là chủ đề gây xôn xao trong giới công nghệ cũng như trong cộng đồng người dùng internet. |
Sau khi sự cố được khắc phục, phát ngôn viên của Meta - Andy Stone đã lên tiếng cho biết sự cố xảy ra vì lỗi kỹ thuật, đồng thời phủ nhận các tin đồn cho rằng Meta bị tin tặc tấn công dẫn đến sự cố. "Đầu ngày hôm nay, một lỗi kỹ thuật đã khiến người dùng khó truy cập vào các dịch vụ của chúng tôi. Chúng tôi đã giải quyết sự cố này nhanh nhất có thể cho những người bị ảnh hưởng. Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này".
Nhưng bài viết được đăng tải trên nhóm nội bộ dành cho các kỹ sư của Meta đã giải thích rõ hơn về sự cố gặp phải.
Theo đó, lỗi xảy ra trong quá trình bảo trì và xác minh các giá trị cấu hình trong hệ thống của Meta, được tiến hành bởi một công cụ tự động. Mục đích của công cụ tự động này đó là kiểm tra các giá trị cấu hình không hợp lệ trong bộ nhớ đệm của hệ thống và thay thế bằng các giá trị cập nhật từ kho lưu trữ cố định.
Tuy nhiên, trong quá trình bảo trì, công cụ tự động đã nhận nhầm các truy vấn của người dùng là không hợp lệ và xóa các bộ nhớ đệm, khiến họ không thể đăng nhập vào tài khoản. Lượng truy cập quá lớn khiến công cụ tự động liên tục xác nhận đó là lỗi và xóa bộ nhớ đệm dẫn đến quá tải.
Khi xác định được nguyên nhân gây ra lỗi, các kỹ sư của Meta đã buộc ngừng công cụ sửa lỗi tự động để khắc phục sự cố, điều này đã giúp các dịch vụ của công ty trở lại hoạt động bình thường.
Một số nguồn tin cho biết sự cố ảnh hưởng đến cả hệ thống nội bộ của Meta, khiến nhiều nhân viên của công ty không thể đăng nhập vào hệ thống mạng nội bộ. Điều này đã làm nhiều nhân viên của Meta hoang mang vì tưởng nhầm rằng họ đã bị công ty sa thải mà chưa kịp thông báo.
Đến thời điểm hiện tại, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg vẫn im lặng và chưa đưa ra bình luận gì về sự cố vừa xảy ra.
Đây là một trong những sự cố nghiêm trọng nhất xảy ra trong lịch sử của Facebook. Sự cố này khiến nhiều người liên tưởng đến sự cố tương tự xảy ra vào cuối năm 2021, khi Facebook, Instagram, Whatsapp bị "sập" trong 7 giờ.
Facebook cho biết nguyên do dẫn đến sự cố nghiêm trọng này là vì lỗi kỹ thuật, nhưng không giải thích rõ ràng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng nguyên do của sự cố liên quan đến việc Facebook thay đổi các thiết lập về hệ thống phân giải tên miền và sự cố về giao thức kết nối internet.
Sự cố Facebook cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo toàn cầu khi theo thống kê hiện có tới gần 4 tỷ người dùng sử dụng các dịch vụ của Meta hằng tháng.
Chỉ với số liệu ấy đủ thấy thế giới phụ thuộc ra sao vào mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng. Nói về khía cạnh kinh tế, Facebook và Messenger chính là cửa hàng bán hàng thương mại điện tử thiết yếu cho hàng chục triệu doanh nghiệp, cả lớn và nhỏ.
Nhiều đơn vị kinh doanh thiệt hại nặng nề vì sự cố Facebook. Còn theo Dan Ives, giám đốc điều hành Wedbush Securities tính toán, CEO Mark Zuckerberg đã mất khoảng 100 triệu USD chỉ sau gần 2 giờ các nền tảng chính Facebook, Instagram và Messenger sập trên toàn cầu . |
Chính vì sự phụ thuộc ấy, mỗi khi Facebook và Messenger gặp sự cố, thiệt hại đối với doanh nghiệp thương mại điện tử, người kinh doanh online là rất lớn. Mà trong quá khứ, mạng xã hội được cho là có ảnh hưởng bậc nhất thế giới này đã không ít lần "sập".
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Số lượng người Việt mua hàng trực tuyến trong cùng thời kỳ lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước. Với tốc độ phát triển này, Statista dự báo Việt Nam sẽ sở hữu thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia trước năm 2025.
Trong thị trường sôi động này, Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam của Bộ Công Thương đã chỉ ra rằng trong năm 2022, có đến 70% người dùng mua sắm trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, 65% mua qua các diễn đàn mạng xã hội và 63% mua sắm qua các ứng dụng di động.
Với sự hỗ trợ tích cực của các nền tảng, kinh doanh online không chỉ là chiến lược tất yếu của các thương hiệu lớn mà còn là cơ hội cho các nhà bán hàng cá nhân theo mô hình C2C (customer to customer). Không cần chi phí đầu tư lớn về mặt bằng, nhân viên như các kênh bán truyền thống, thế giới số đã trở thành địa điểm gặp gỡ mới giữa người mua và người bán. Khả năng kết nối không giới hạn, và sự phát triển của các công cụ số không ngừng mở ra những cơ hội mới, đón chào những tay chơi vừa gia nhập.
Chính vì vậy việc kinh doanh online cần phải được xây dựng trên nhiều nền tảng. Các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Mexico và Brazil đã dần phụ thuộc vào các dịch vụ nhắn tin miễn phí này. Đây thường là trụ cột của truyền thông ở những quốc gia này. Các doanh nghiệp nhỏ và nền kinh tế phi chính thức nói riêng dựa vào các dịch vụ của Facebook.
Ở Châu Âu và Bắc Mỹ, có nhiều lựa chọn dự phòng hơn để liên lạc trong thời gian ngừng hoạt động. Một số quốc gia gần như không bị ảnh hưởng gì từ cuộc khủng hoảng toàn cầu của Facebook, trong đó có Nga. Theo số liệu từ eMarketer, chỉ 8,8% người dùng mạng xã hội ở Nga có tài khoản Facebook, một trong những tỷ lệ thấp nhất thế giới. Tương tự, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng vậy, nơi chỉ có 25% và 36% người hâm mộ mạng xã hội có tài khoản Facebook.
Từ vụ Facebook bị sập đã cho thấy sự phụ thuộc quá mức của nhiều quốc gia, vùng miền trên thế giới vào các dịch vụ của Meta. Và đã đến lúc chúng ta cần có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn và có những lựa chọn mới.
© thitruongbiz.vn