Sáng ngày 26/4, ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) đã trình cổ đông việc tiếp tục tham gia chương trình nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng thương mại cổ phần và mua lại một công ty chứng khoán.
Báo cáo tại đại hội, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank, cho biết trong năm 2022 nhiều biến động, mọi hoạt động của ngân hàng vẫn diễn ra thông suốt, các tỷ lệ đảm bảo an toàn duy trì trong giới hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,3%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất là 1,67%. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động là 76,6% thấp hơn mức tối đa 85% do Ngân hàng Nhà nước quy định. Các tỷ lệ an toàn hoạt động khác luôn ở mức tốt so với ngành.
"Tỷ lệ an toàn vốn CAR (theo chuẩn Basel II) đạt 13,4%, mức cao dẫn đầu trong ngành. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng năm 2022", ông Thanh nói.
Với kết quả kinh doanh tích cực của năm 2022, đại hội cổ đông HDBank đồng thuận thực hiện chia cổ tức năm 2022 tổng tỉ lệ 25% gồm tiền mặt 10% và cổ phiếu 15%.
Năm 2023, trong bối cảnh tài chính toàn cầu còn nhiều ẩn số và biến động, HDBank tiếp tục kiên định với định hướng lấy phát triển bền vững làm kim chỉ nam dẫn lối, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng dẫn đầu về bán lẻ, tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao 29% năm nay với gần 14.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tại đại hội, các cổ đông đã thông qua các tờ trình về việc sẽ góp vốn, mua cổ phần của một công ty chứng khoán nhằm giúp HDBank mở rộng và khai thác hiệu quả hơn nữa tệp khách hàng hiện hữu; tăng cơ hội bán chéo sản phẩm để tăng doanh thu và lợi nhuận.
HDBank cũng tham gia chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, trong đó HĐQT được giao và ủy quyền thực hiện, hoàn tất công việc liên quan đến nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại cổ phần, phù hợp với quy định pháp luật.
Hiện nay HDBank chưa tiết lộ tên ngân hàng cũng như công ty chứng khoán mà ngân hàng này sẽ tham gia tái cơ cấu, mua lại. Trước đây HDBank đã thành công trong thương vụ nhận sáp nhập Ngân hàng Đại Á.
Sau đó HDBank đã từng định nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Đề án sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nguyên tắc, 100% cổ đông thông qua, hai ngân hàng cũng đã hoàn thành hồ sơ và đang thực hiện công tác chuẩn bị.
HDBank đã trình tiếp hồ sơ xin chấp thuận chính thức. Tuy nhiên vì nhiều lý do, việc sáp nhập này không thành.
Quang cảnh Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của HDBank. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Một cái tên được đồn đoán khác là Ngân hàng Đông Á. Ngân hàng Đông Á đã bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015.
Bên cạnh đó, HDBank xác định lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đầu tư là một trong những trọng tâm phát triển trong tương lai. Vì thế, việc đầu tư vào công ty chứng khoán có thể giúp HDBank mở rộng và khai thác hiệu quả hơn nữa tệp khách hàng hiện hữu. Ngoài ra, Ngân hàng còn có cơ hội bán chéo sản phẩm, cung cấp dịch vụ thu chi hộ… từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho Ngân hàng.
Công ty trong lĩnh vực chứng khoán mà HDBank tham gia góp vốn, mua cổ phần cần đáp ứng các điều kiện: Được phép kinh doanh môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán; vốn điều lệ công ty trên 1.000 tỷ đồng theo BCTC đã được kiểm toán năm gần nhất; có lợi nhuận 3 năm liên tiếp gần nhất.
Đồng thời, nhằm triển khai cụ thể hoạt động kinh doanh và huy động vốn để bổ sung nguồn vốn dài hạn phục vụ phát triển kinh doanh và cải thiện hệ số an toàn vốn, HDBank đã và sẽ thực hiện phương án phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 ra công chúng.
HĐQT HDBank trình ĐHĐCĐ việc niêm yết tất cả trái phiếu không phải là trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, do HDBank phát hành ra công chúng năm 2023 trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán theo quy định của pháp luật.
Ủy quyền cho HĐQT quyết định thời gian niêm yết, số lượng trái phiếu niêm yết trên cơ sở số lượng trái phiếu được HDBank phát hành ra công chúng, triển khai các thủ tục và xử lý vấn đề phát sinh.
© thitruongbiz.vn