UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định giao nhiệm vụ Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc).
Trong đó, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng, Ban Quản lý đường sắt đô thị, Sở Xây dựng triển khai ngay nhiệm vụ lập quy hoạch phương án tuyến, công trình theo tuyến tỷ lệ 1/500, quy hoạch khu vực TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt để tạo quỹ đất đấu thầu, đấu giá nhằm phát triển đô thị theo quy định của pháp luật, sử dụng nguồn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (Theo khoản 2 Điều 1 Luật số 57/2024/QH15 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch).
Ban Quản lý đường sắt đô thị có trách nhiệm: Tận dụng tối đa kết quả đã nghiên cứu, trên cơ sở ý kiến và Hồ sơ Dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lại tại Văn bản số 680/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 23/01/2025 để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, triển khai các bước tiếp theo tuân thủ quy định.
Căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập dự án đầu tư trình UBND TP phê duyệt đầu tư dự án trong năm 2025.
Được biết, tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435 mm, dài gần 39 km. Trong đó 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và gần 30 km đi trên mặt đất.
Metro Văn Cao - Hòa Lạc đi qua các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Một phần tuyến chạy dọc theo khu vực trung tâm tập trung dân cư cao, đoạn tuyến còn lại đi qua các khu đô thị đang phát triển, đặc biệt là đô thị vệ tinh Hòa Lạc.
Tuyến số 5 hình thành sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 4, 6, 7, 8, cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm thành phố.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410 km. Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200 km.
Đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617 km.
© thitruongbiz.vn