Từ ngày 1/1/2025, những công trình xây dựng trên đất lấn chiếm, xây sai quy hoạch, vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy sẽ bị áp dụng biện pháp cắt điện nước.
Tại kỳ họp chuyên đề được tổ chức ngày 19/11, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố.
Theo Nghị quyết, các trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước gồm:
Công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng.
Công trình xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng, công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt bao gồm: vị trí xây dựng; cốt nền xây dựng; mật độ xây dựng; diện tích xây dựng tầng 1; chiều cao công trình; chiều sâu công trình; số tầng công trình (bao gồm toàn bộ các tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng lửng, tầng kỹ thuật, tầng áp mái, tầng mái, tum thang); chiều cao các tầng công trình; tổng diện tích sàn xây dựng tầng hầm; tổng diện tích sàn xây dựng phần nổi; tổng diện tích sàn xây dựng công trình (bao gồm tổng diện tích sàn của tất cả các tầng công trình); màu sắc công trình; Vi phạm chỉ giới xây dựng hoặc chỉ giới đường đỏ; Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc; Khi điều chỉnh, bổ sung thiết kế xây dựng thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực, biện pháp tổ chức thi công và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu, an toàn chịu lực chính của công trình.
Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm; Công trình vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC); Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu về PCCC mà đã đưa vào hoạt động.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp nhưng tổ chức, cá nhân không thực hiện.
Theo nguyên Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội Nguyễn Đức Nghi, khi xử lý các công trình vi phạm, UBND TP Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục nhưng tiến độ chậm, xử lý không dứt điểm. Chủ đầu tư không tự giác khắc phục nên việc bổ sung biện pháp cắt điện, cắt nước sẽ tác động mạnh đến ý thức chấp hành của đối tượng vi phạm.
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lưu ý, theo Hiến pháp, người dân được quyền cung cấp điện, nước. Do đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn các trường hợp áp dụng biện pháp cắt điện, nước khi xử lý vi phạm là "trường hợp cần thiết".
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra, ông Duy Hoàng Dương, Trưởng ban Pháp chế (HĐND thành phố Hà Nội) cho biết, đây là quy định đặc thù của thành phố theo Luật Thủ đô 2024. Vì vậy, việc xác định trường hợp vi phạm phải áp dụng ngừng cung cấp điện, nước cần hết sức thận trọng tránh tác động lớn đến sinh hoạt người dân và phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Ban Pháp chế cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội làm rõ một số vấn đề như: Số liệu về công trình vi phạm đối với từng trường hợp. Ngoài ra, đối với nhà có nhiều chủ, chung một đầu mối điện nước thì việc áp dụng cắt điện nước với chủ thể thực hiện như thế nào.
Ban Pháp chế cũng đề nghị bổ sung điều khoản chuyển tiếp, nhất là với công trình vi phạm đã tồn tại trước ngày 1/1/2025 hiện vẫn đang vi phạm và có lộ trình cụ thể.
Báo cáo tiếp thu, giải trình báo cáo Thẩm tra của Ban Pháp chế, UBND thành phố Hà Nội cho biết, giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 6/2024, UBND các quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 182.571 công trình. Qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 10.494 công trình có vi phạm quy định về trật tự xây dựng. Trong đó, 3.297 công trình xây dựng không phép; 2.454 công trình xây dựng sai phép, sai quy hoạch 244 công trình xây dựng công trình ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 4.499 công trình vi phạm khác.
Đối với lĩnh vực PCCC, hiện toàn thành phố có 1.707 công trình vi phạm, chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động; 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo các điều kiện về PCCC. Lực lượng chức năng đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động hoặc yêu cầu dừng hoạt động đối với 1.538/1.538 cơ sở. Đến tháng 9/2024, mới có 53 cơ sở karaoke đã đảm bảo PCCC có thể đi vào hoạt động trở lại.
Về đề nghị bổ sung điều khoản chuyển tiếp, UBND thành phố Hà Nội cho rằng, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không cho phép Nghị quyết của HĐND quy định hiệu lực hồi tố (khoản 3 Điều 152). Do vậy, dự thảo không quy định điều khoản áp dụng đối với các công trình đã vi phạm trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực.
© thitruongbiz.vn