UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định 6316/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án, vị trí công trình cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu tỉ lệ 1/500 tại quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 6316 về việc phê duyệt phương án, vị trí công trình cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu, tỷ lệ 1/500, tại quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh, Hà Nội.
Theo đó, vị trí điểm đầu tại nút giao với đường Kỳ Vũ thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, điểm cuối tại nút giao với đường 23B thuộc xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Tổng chiều dài tuyến khoảng 5,2km. Hướng tuyến xác định trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô và các Quy hoạch phân khu đô thị GS, sông Hồng, N4 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Cầu Thượng Cát là công trình cấp đặc biệt, đường hai đầu cầu là đường trục chính đô thị. Quy mô mặt cắt ngang điển hình cầu Thượng Cát 31-53m (gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; làn tách nhập). Đường phía Nam cầu 60m (gồm cầu dẫn 6 làn xe cơ giới ở giữa, 2 làn hỗn hợp song hành và các dải phân cách, dải an toàn, vỉa hè hai bên tuyến đường). Đường phía Bắc cầu 50m (gồm 4 làn xe cơ giới ở giữa, 2 làn hỗn hợp song hành và các dải phân cách, dải an toàn, vỉa hè hai bên tuyến đường).
Các nút giao: Nút giao chính hai đầu cầu với các trục dọc sông Hồng TC5 và TC13 là nút liên thông theo hình thức nút giao dạng Tuabin. Nút giao với các tuyến đường ngang khác là giao bằng xác định sơ bộ theo các quy hoạch phân khu được duyệt, sẽ được nghiên cứu bổ sung, xác định chính xác trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường và các đường ngang giao cắt khác được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Tim đường quy hoạch đi qua các điểm ký hiệu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 có tọa độ và thông số kỹ thuật được ghi trực tiếp trên bản vẽ. Các điểm 3*, 5* là điểm chuyển hướng làm cơ sở để xác định tim đường quy hoạch tương ứng. Chỉ giới đường đỏ, phạm vi xây dựng cầu và hành lang bảo vệ xác định trên cơ sở tim đường quy hoạch, bề rộng mặt cắt ngang và các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện hành.
UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc kiểm tra, xác nhận bản vẽ phương án tuyến, vị trí công trình theo Quyết định phê duyệt của UBND Thành phố.
Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố chủ trì, phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND huyện Đông Anh và các cơ quan liên quan tổ chức công bố công khai hồ sơ phương án tuyến, vị trí công trình được duyệt để các tổ chức, cá nhân có liên quan được biết, thực hiện; Bàn giao hồ sơ phương án tuyến, vị trí công trình được duyệt cho UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND huyện Đông Anh để phục vụ công tác quản lý quy hoạch; Tổ chức cắm mốc giới đồng thời với việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trong quá trình triển khai dự án đầu tư.
UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND huyện Đông Anh có trách nhiệm quản lý chặt chẽ đất đai, trật tự xây dựng hai bên tuyến đường theo quy hoạch và hồ sơ phương án tuyến, vị trí công trình được duyệt.
Chiều 11/12, tại kỳ họp lần thứ 20, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội đang tập trung nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng đủ 18 cầu vượt sông Hồng. Trong đó, đã đầu tư xây dựng 8 cầu và cải tạo cầu Long Biên; sẽ tiếp tục xây dựng mới 9 cầu.
Hiện nay, Thành phố đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thêm 3 cầu (Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc), đồng thời đang tập trung chỉ đạo để sớm quyết định chủ trương đầu tư đối với 3 cầu gồm: cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi.
© thitruongbiz.vn