Theo đánh giá chung, hiện nhu cầu sản xuất và khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, khó khăn chủ yếu đối với nguồn cung các sản phẩm nông sản hàng hóa thực phẩm chủ yếu ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành phía Bắc trong điều kiện dịch COVID-19 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) với UBND TP Hà Nội, Sở NN-PTNT thành phố cho biết, mặc dù gặp một số khó khăn do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp kéo dài nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn thành phố vẫn tương đối ổn định, ước đạt tăng trưởng 3,09% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung hiện nay, nhu cầu sản xuất và khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
Cụ thể, sản lượng sản xuất gạo trong 1 vụ chỉ đáp ứng được 65,6% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sản lượng xuất chuồng thịt lợn trong 1 tháng chỉ đáp ứng 94,1% nhu cầu. Sản lượng xuất chuồng thịt trâu bò trong 1 tháng chỉ đáp ứng 19,3% nhu cầu. Nguồn cung thực phẩm chế biến trong 1 tháng trên địa bàn chỉ đáp ứng 19% nhu cầu. Sản lượng tự sản xuất rau củ trên địa bàn trong 1 tháng chỉ đáp ứng 65,1% tổng nhu cầu của người dân thủ đô.
Hà Nội: Chuẩn bị nhiều kịch bản bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa đề phòng tình huống xấu |
Cũng theo Sở NN-PTNT Hà Nội, hiện khó khăn chủ yếu đối với nguồn cung các sản phẩm nông sản hàng hóa thực phẩm chủ yếu ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt là từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội.
Ngoài ra, việc phân phối gặp nhiều khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội, nhất là các chợ đầu mối, chợ dân sinh, cơ sở giết mổ. Nếu dịch xuất hiện thì việc buộc phải tạm ngừng giết mổ sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ và phân phối nguồn hàng trên địa bàn các tỉnh. Bên cạnh đó nguồn tiêu thụ chính hiện nay là tại các chợ truyền thống, trong khi nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các chợ là rất cao.
Bà Trần Thị Phương Lan- quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, trong công tác phòng chống dịch COVID-19, để bảo đảm nguồn lương thực thực phẩm cho người dân trên địa bàn Thành phố, Hà Nội đã triển khai 2 nguồn cung.
Thứ nhất, Hà Nội cố gắng bảo đảm tự cung tự cấp ở mức độ cao nhất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Sở NN-PTNT đã rà soát những vùng trồng để có cơ cấu sản xuất phù hợp với nhu cầu trong thời gian dịch bệnh diễn ra tại Thành phố.
Thứ hai, Sở Công thương đã chỉ đạo hệ thống phân phối tiếp tục giữ ổn định những đầu mối, nguồn cung cấp từ các tỉnh đang thực hiện cung ứng hàng hóa cho Hà Nội.
Bên cạnh đó, thành phố đang thực hiện 2 Chương trình là “Phương án dự trữ hàng hóa phòng chống dịch” và “Bình ổn thị trường”, qua đó các hệ thống phân phối sẽ dự trữ hàng hóa và bảo đảm điều tiết cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trên địa bàn.
Bà Trần Thị Phương Lan cũng cho biết thêm: "Hiện nay, các doanh nghiệp đang thực hiện dự trữ nguồn hàng để phục vụ cho nhu cầu của người dân trên tại các hệ thống siêu thị phân phối trực tiếp, dự trữ tại kho hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, dự trữ tại tổng kho các hệ thống phân phối của một số tỉnh lân cận, dự trữ tại kho hàng của nhà cung cấp".
"Đến thời điểm này, không có đơn vị nào trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra thiếu hụt hàng hóa cục bộ. Bên cạnh đó, nếu các tỉnh phía Bắc bắt buộc phải thực hiện giãn cách xã hội thì việc lưu thông hàng hóa sẽ bị hạn chế rất nhiều. Rút kinh nghiệm từ những tỉnh thành phía Nam thì các tỉnh phía Bắc cần có sự thống nhất, đồng bộ trong cách chỉ đạo. Gần 800 chuỗi cung ứng của 21 tỉnh phía Bắc cần rà soát lại một cách cụ thể khả năng cung ứng hàng hóa tại địa bàn tỉnh đó cũng như phân phối cho Hà Nội", bà Trần Thị Phương Lan đề xuất.
© thitruongbiz.vn