Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo COVID-19 diễn ra chiều 26/4, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị siết chặt công tác phòng chống dịch, nâng mức cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch lên mức độ cao.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Đơn cử, tại Ấn Độ chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 349.313 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ đầu dịch và thêm 2.761 trường hợp tử vong.
Còn tại Camphuchia, trong tuần qua, mỗi ngày đều có khoảng 500 ca mắc (cao hơn tuần trước - trung bình khoảng 300 ca mắc/ngày). Các cơ quan chức năng nước này đang khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm kìm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Tại Thái Lan, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm, số ca mắc trong ngày 24/4 ghi nhận ở mức gần 3.000 trường hợp và tập trung chủ yếu ở thủ đô Bangkok. Chính quyền một số địa phương tại Thái Lan đã áp đặt thêm nhiều biện pháp phòng dịch quyết liệt trong nỗ lực kiểm soát dịch bùng phát.
Nâng cao mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch lên mức độ cao |
Tại Lào, số tỉnh có ca mắc mới ngày một tăng, cho thấy bệnh dịch đang có xu hướng lan rộng, trong đó có nhiều tỉnh tiếp giáp Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, đã có 16/18 tỉnh/thành của Lào thực hiện phong tỏa và giới nghiêm.
Tại Việt Nam, mặc dù tính đến nay, Hà Nội đã 70 ngày không có ca mắc mới ngoài cộng đồng, song, thời gian sắp tới, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, theo dự tính, lưu lượng người đi và đến Hà Nội sẽ rất đông, dẫn tới nguy cơ rất lớn bùng phát dịch.
Trước thực trạng, kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị các Sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, siết chặt công tác phòng chống, dịch và sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. Đồng thời, nâng cao mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch lên mức độ cao.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên tự đánh giá về an toàn phòng, chống dịch. Đối với các cơ sở y tế, chợ, siêu thị, sân bay... các sở, ban ngành và đoàn kiểm tra vào cuộc một cách nghiêm túc để phòng, chống dịch. "Chỉ cần một ý thức chủ quan, lơ là của người dân sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn", Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Yêu cầu các đơn vị chủ động trong công tác phòng, chống dịch, theo đó, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động đông người; tiếp tục triển khai tiêm vắc xin đợt 2 bảo đảm an toàn, hiệu quả; tăng cường giám sát về nhập cảnh, nhất là các điều kiện trước khi nhập cảnh; đảm bảo an toàn tại các cơ sở cách ly…Đặc biệt, lưu ý các đơn vị thực hiện nghiêm công tác ứng trực.
Tại Việt Nam, từ ngày 19-25/4/2021, ghi nhận 52 ca mắc mới đều là người nhập cảnh, giảm 37 trường hợp mắc mới so với tuần trước. Cộng dồn đến nay nước ta ghi nhận 2.833 ca mắc, 35 ca tử vong, và đã qua 32 ngày không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong nước. Tại Hà Nội, từ ngày 19-25/4/2021, Hà Nội ghi nhận thêm 3 ca mắc mới là người từ nước ngoài về được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Từ 16/2/2021 đến nay (70 ngày), Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. |
Trước đó, theo Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TP trong cuộc họp chiều 15/2, tại Hà Nội vẫn ghi nhận các ca bệnh ở ngoài cộng đồng, trong đó có ca chưa xác định chính xác được nguồn lây nhiễm.
Nguy cơ về dịch bệnh vùng phát vẫn ở mức cao, đặc là tại nơi có các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, công sở có mật độ người làm việc cao, khi người lao động từng các tỉnh, TP trở lại Hà Nội làm việc. Bên cạnh đó là các trường hợp người bệnh từ các địa phương lên Hà Nội khám chữa bệnh các bệnh viện tuyến Trung ương cũng tiềm ẩn nguy mắc dịch bệnh và lây lan...
URL: https://thitruongbiz.vn/ha-noi-canh-bao-nguy-co-cao-bung-phat-dich-covid-19-d260.html
© thitruongbiz.vn