Trước đây, người lao động tự do có tạm trú tại TP.Hà Nội, muốn nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng từ gói 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 3642 của UBND thành phố Hà Nội thì phải về nơi thường trú xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại.
Theo đó, thủ tục này đã gây phiền hà cho người dân bởi nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và nguy cơ lây nhiễm cao trong bối cảnh dịch bệnh diễn bến phức tạp.
Thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội cho biết, tính đến 6h ngày 12/8, thành phố đã có quyết định hỗ trợ cho 5.170 lao động tự do với kinh phí 7,75 tỷ đồng. Như vậy thời gian tới sẽ còn hàng chục nghìn lao động tự do ở Hà Nội trong diện xem xét hỗ trợ, song nhiều lao động cho hay họ gặp khó khi làm thủ tục trong thời gian Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16.
"Người dân được yêu cầu hạn chế ra đường hoặc đi thì phải có giấy thông hành. Các hàng quán photo đã đóng cửa, chúng tôi không biết in đơn, photo giấy tờ xác nhận ở đâu. Xin xác nhận ở quê lại càng không thể khi xe cộ đi đến Hà Nội đã ngừng hoạt động", bà Thơ (quận Cầu Giấy) phản ánh.
Báo VnExpress đưa tin, tại phường Quan Hoa, ngõ 79 Dương Quảng Hàm, trên góc bảng tin ở nhà văn hóa tổ dân phố có đính kèm các văn bản về chính sách hỗ trợ của phường, thành phố. Tổ dân phố đề nghị người dân xem văn bản, kê khai theo hướng dẫn, nếu cần thì liên hệ với tổ trưởng kèm số điện thoại.
Được tin có hỗ trợ, bà Hòa (phường Quan Hoa) rủ những người cùng xóm trọ kê thông tin vào giấy, ký tên rồi gửi tổ trưởng dân phố, nhưng không đúng mẫu. Khi ra phường hỏi thông tin, bà được cán bộ hướng dẫn phải có đăng ký tạm trú tạm vắng và xin xác nhận ở quê. Phường cũng không thể làm khác, vì đây là quy định của thành phố.
Gỡ khó cho lao động tự do tại Hà Nội nhận hỗ trợ COVID-19 |
Trước đó vào 9h sáng ngày 11/8, anh Vũ Thái Hòa ra UBND phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, xin mẫu đơn, hỏi về thủ tục hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng). Cán bộ phường cho biết, anh Hòa đang tạm trú và nếu muốn nhận hỗ trợ tại phường Thanh Xuân Trung thì phải xin xác nhận không hưởng ở quê (nơi thường trú).
Trước thực trạng trên, để tháo gỡ khó khăn cho người dân, ngày 17/8, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, đã đề nghị UBND TP.Hà Nội tháo gỡ khó khăn trong việc xác nhận để hưởng chế độ hỗ trợ cho lao động tự do (1,5 triệu đồng theo Nghị quyết 68 - gói 26.000 tỷ đồng).
Cụ thể, Sở đề nghị UBND TP cho phép UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn, các đơn vị có liên quan tổ chức tiếp nhận hồ sơ người lao động bằng nhiều hình thức (trực tiếp, bưu điện, email, trực tuyến...); đồng thời linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Việc gửi thông tin người lao động đã được nhận hỗ trợ đến nơi người lao động đăng ký thường trú/tạm trú cũng cần được triển khai bằng các hình thức linh hoạt (qua email, hòm thư công vụ, bưu điện...). Như vậy, thay vì phải niêm yết công khai danh sách các trường hợp được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, các cơ quan chức năng chỉ cần công khai trên trang thông tin của đơn vị, nhằm bảo đảm người lao động được hưởng trong thời gian sớm nhất.
Kiến nghị trên được UBND TP.Hà Nội thống nhất. Trên cơ sở đó, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc đề nghị UBND 30 quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan chủ động, linh hoạt tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với nhóm lao động tự do bằng nhiều hình thức như đã nêu ở trên.
Theo báo VOV, ông Nguyễn Hồng Dân cho biết thêm: “Trong thời gian giãn cách, người lao động không đi đâu được nên phải thực hiện như vậy, chúng tôi đã rất linh hoạt trong quá trình giải quyết, làm thế nào để giảm tối đa các thủ tục cho người lao động để người ta nhận được gói hỗ trợ này nhanh nhất. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc của Nghị quyết 68 của Chính phủ, tránh để xảy ra trục lợi chính sách bởi Gói hỗ trợ thủ tục quá đơn giản”.
Trước đó, khi xây dựng gói hỗ trợ lần hai, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho biết đã rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ (năm 2020). Gói trước đây yêu cầu lao động phải về quê, lấy xác nhận của địa phương thường trú rồi mới làm thủ tục. Bộ cho rằng không cần bước này nữa, người lao động ở đâu thì hưởng ở đấy.
Danh sách cần được liên kết, liên thông dữ liệu để tránh hưởng cùng lúc nhiều nơi và tăng cường khâu hậu kiểm. Việc này để tránh "một đồng gà ba đồng thóc", lao động phải đi lại tàu xe tốn kém hơn tiền hỗ trợ và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bộ đã hướng dẫn các tỉnh thành nhập liệu, báo cáo kết quả chi trả, hỗ trợ trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Trong đó có dữ liệu cụ thể về lao động, doanh nghiệp đã được hỗ trợ, nên việc đối chiếu hoàn toàn có thể thực hiện.
URL: https://thitruongbiz.vn/go-kho-cho-lao-dong-tu-do-tai-ha-noi-nhan-ho-tro-covid-19-d1590.html
© thitruongbiz.vn