Thị trường bất động sản trong quý I/2025 có nhiều tín hiệu tích cực từ nguồn cung, giao dịch có chuyển biến tích cực, nhưng thực tế lượng giao dịch và mức giá giao dịch chỉ tăng tại các lô đất có giá trị đầu tư hợp lý, thường ở mức dưới 2 tỷ đồng, có pháp lý đảm bảo
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, quý I năm 2025, nguồn cung toàn thị trường BĐS nhà ở Việt Nam đạt 27.000 sản phẩm, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, có 14.500 sản phẩm chào bán mới, chỉ bằng khoảng 1/2 quý trước nhưng tăng gấp 3 so với quý I của năm 2024.
Nguồn cung BĐS nhà ở vẫn tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, khi số lượng dự án nhà ở phê duyệt mới đang được cải thiện, với mức tăng đạt 18% trong năm 2024. Nhờ nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý của Chính phủ, hàng trăm dự án BĐS đã được tái khởi động và đẩy nhanh tiến độ triển khai, ra hàng nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường.
Bà Phạm Miền, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam cho biết, các dự án mở bán nhà ở trong quý 1 nhìn chung đều được hấp thụ tốt, nhờ nhu cầu ở thực vẫn có xu hướng tăng.
Đáng chú ý là tín hiệu về việc "nới lỏng" tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, với chỉ đạo định hướng duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp của Chính phủ đã góp phần kích thích nhu cầu BĐS, không chỉ ở nhóm người mua để ở mà còn từ các nhà đầu tư cá nhân
Theo VARS, tỷ lệ hấp thụ chung toàn thị trường đạt 45%, tương đương với 12.273 giao dịch, bằng 50% quý trước liền kề trước đó nhưng gấp đôi cùng kỳ năm 2024. Phân tích của VARRS cho thấy, tỷ lệ hấp thụ các dự án mới mở bán vẫn rất tích cực, đạt khoảng 60%, đặc biệt tại các tỉnh, thành có thông tin cụ thể về quy hoạch, hạ tầng và có dự án mới như Hà Nội, TP HCM, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Thái Nguyên.
Theo dữ liệu của VARS, phân khúc căn hộ đóng góp tới 72% lượng giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ tại các dự án thấp tầng mở bán mới đạt khoảng 52%.
Một số dự án có giá bán cao vẫn thu hút nhu cầu mua nhà để ở và nhu cầu đầu tư của các khách hàng có mong muốn trú ẩn tài sản dài hạn trước các thông tin ấn định về việc triển khai hạ tầng mới.
Tại thị trường thứ cấp, giao dịch và giá sản phẩm thấp tầng, đất nền cũng ghi nhận tăng mạnh. Nhất là khu vực vùng ven Hà Nội, nhờ hưởng lợi từ hàng loạt các dự án mới triển khai có giá bán cao.
Nhiều căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang nhiều năm được rao bán với mức giá tăng tới 30%, thậm chí gấp đôi so với năm 2023.
Tuy nhiên, thực tế lượng giao dịch và mức giá giao dịch chỉ tăng tại các lô đất có giá trị đầu tư hợp lý, thường ở mức dưới 2 tỷ đồng, có pháp lý đảm bảo tại các khu vực có hạ tầng đang triển khai và có đầy đủ các dịch vụ tiện ích.
Bên cạnh các kết quả tích cực, báo cáo tổng quan của VARS cũng cho rằng, thị trường BĐS nhà ở Việt Nam trong Quý I/2025 vẫn còn nhiều điểm hạn chế chưa được khắc phục, thậm chí có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn rủi ro cho sự phát triển bền vững của thị trường, nhất là cơ cấu nguồn cung vẫn mất cân đối, mặt bằng giá ngày càng “neo” cao.
Theo đó, nguồn cung các dự án mới chủ yếu phục vụ những người mua có khả năng tài chính cao và nhà đầu tư tìm kiếm sản phẩm có giá trị gia tăng lâu dài. Phân khúc căn hộ chung cư (CHCC) tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng hơn 69% trong cơ cấu nguồn cung nhà ở mở bán mới trong Quý I/2025, nhưng CHCC cao cấp, hạng sang vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với số lượng dự án hạng sang mới đang có xu hướng tăng, trong khi căn hộ chung cư thương mại giá bình dân hoàn toàn “vắng bóng”. Đồng thời, tỷ lệ giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho người mua nhà ở xã hội vẫn rất thấp, chỉ đạt 3,3% do lãi suất vẫn cao, thời gian vay ngắn và các tỉnh, thành có nhu cầu cao vẫn thiếu quỹ đất, nguồn cung nhà ở xã hội. Việc hoàn thiện hồ sơ mua nhà ở xã hội còn mắc ở thủ tục xác nhận thu nhập đối với đối tượng lao động tự do. Ngoài ra, mặt bằng giá chào bán BĐS ngày càng có xu hướng tăng, khi áp lực chi phí, nhất là các khoản chi phí liên quan đến đất đai gia tăng trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm khiến các chủ đầu tư tiếp tục có xu hướng phát triển các dự án cao cấp nhằm đảm bảo mục tiêu về lợi nhuận.
Theo ghi nhận của VARS, giá bán trung bình CHCC tại Hà Nội trong Quý I/2025 đạt mức trung bình 70,2 triệu đồng/m², tăng nhẹ 2,5% so với quý trước và tăng mạnh 77,6% so với kỳ gốc. Đà tăng giá chủ yếu đến từ việc các chủ đầu tư mở bán lại dự án với mức giá điều chỉnh nhích lên. Trong khi đó, trên thị trường thứ cấp, giá của một số dự án ghi nhận diễn biến đi ngang, phản ánh sự điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng trong năm 2024. Giao dịch thứ cấp chỉ ghi nhận tại các dự án căn hộ trong đại đô thị đã hình thành và thu hút cư dân về ở, có mức giá khoảng 50 triệu/m2 hoặc các chung cư cao cấp mới ở khu vực trung tâm Hà Nội. Khu vực TP. Hồ Chí Minh ghi nhận mức giá bán bình quân là 71,8 triệu đồng/m2. Giá chung cư các dự án trong tập mẫu gần như không tăng so với quý trước nhưng so với kỳ gốc ghi nhận mức tăng 35%.
Giá bán sơ cấp được “neo” ở mức cao duy trì mặt bằng giá nhà ở đang ở mức cao, là một phần nguyên nhân khiến một bộ phận trong thế hệ trẻ đang phải lựa chọn giữa phương án thuê nhà thay vì mua nhà.
Một diễn biến nổi bật khác trong Quý I, đó là việc thị trường vẫn bị ảnh hưởng bởi các thông tin quy hoạch, đầu tư. Theo đó, thông tin về việc sáp nhập tỉnh, thành, cộng hưởng với việc nhiều địa phương công bố bảng giá đất mới, cao hơn nhiều lần so với bảng giá hiện hành và tâm lý FOMO (lo sợ bỏ lỡ cơ hội) của các nhà đầu tư BĐS khiến đất nền lại “sốt”. Nhiều địa phương ghi nhận mức giá tăng từ 5 cho tới 30% như Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, vùng ven Hà Nội,… Tuy nhiên thực tế, giao dịch chỉ ghi nhận tăng tại các tỉnh, thành được dự đoán là trung tâm sáp nhập, có hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội phát triển, mặt bằng giá BĐS chưa quá cao.
Với những diễn biến thị trường BĐS trong Quý I, VARS nhận định, nhìn chung, thị trường BĐS nhà ở Việt Nam đã có bước khởi đầu tương đối tích cực trong năm đầu tiên của chu kỳ mới. Mặc dù còn nhiều thách thức, đặc biệt mới đây nhất là ảnh hưởng thuế quan thương mại mới của Mỹ, nhưng VARS tin rằng, trong thời gian tới với khả năng ngoại giao khéo léo cùng sự chủ động và linh hoạt trong việc thực thi chính sách, Việt Nam không những sẽ giảm thiểu tác động do chính sách thuế quan mà còn có thể tìm ra các cơ hội mới trong thách thức. Đặc biệt là niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, trong đó có doanh nghiệp BĐS được củng cố khi kinh tế tư nhân đã được nhìn nhận một cách đúng mực hơn.
“Với nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, chắc chắn doanh nghiệp BĐS, với vai trò chủ chốt trong khối, sẽ như “cá gặp nước”, không ngừng lớn mạnh và góp phần thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của thị trường BĐS nói riêng, nền kinh tế nói chung” - VARS nhận định./.
© thitruongbiz.vn