Đây là một trong những nội dung của Dự thảo Thông tư quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra lấy ý kiến.
Thông tư mới kế thừa một số quy định tại Thông tư 11 ngày 2/8/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (Thông tư 11).
Qua thời gian, một số nội dung quy định tại Thông tư 11 không còn phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng 2024, cần được thay thế bằng thông tư mới.
Trong đó, Điều 8 dự thảo Thông tư mới quy định giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc |
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước quyết định ghi giảm toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để giảm lỗ lũy kế tương ứng tại Quyết định chuyển giao bắt buộc theo quy định tại Điều 183 Luật Các tổ chức tín dụng.
Việc này là để phù hợp với quy định tại Điều 183 Luật các tổ chức tín dụng 2024, trong đó quy định rõ thời điểm Ngân hàng Nhà nước quyết định ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt là thời điểm Ngân hàng Nhà nước có quyết định chuyển giao bắt buộc.
Trong khi đó, Thông tư 11 quy định Ngân hàng Nhà nước quyết định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.
Trường hợp giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ theo kết quả xác định của tổ chức kiểm toán độc lập, cộng với kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt âm, Ngân hàng Nhà nước quyết định việc ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt về bằng 0 đồng tại Quyết định chuyển giao bắt buộc để giảm lỗ lũy kế. Mức vốn này thay thế mức vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động mà Ngân hàng Nhà nước đã cấp cho ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.
Dự thảo thông tư mới cũng tăng quyền hạn và trách nhiệm đối với Ban Kiểm soát đặc biệt.
Ban kiểm soát đặc biệt tham mưu, đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) kiến nghị Chính phủ thực hiện áp dụng biện pháp đặc biệt trong trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (quy định tại khoản 4 Điều 162).
Ban kiểm soát đặc biệt tham mưu, đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) yêu cầu chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt báo cáo việc sử dụng cổ phần, phần vốn góp; không được chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; không được sử dụng cổ phần, phần vốn góp để làm tài sản bảo đảm.
Dự thảo thông tư bỏ quy định về trường hợp tổ chức tín dụng mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả; mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Lý do là Điều 162 Luật các tổ chức tín dụng 2024 về áp dụng kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng không quy định mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả; mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán là dấu hiệu của kiểm soát đặc biệt như Luật các tổ chức tín dụng 2010.
Thông tư này dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024 và thay thế Thông tư số 11/2019/TT-NHNN.
Trước đó, lãnh đạo NHNN cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt bao gồm DongABank, CBBank, OceanBank và GPBank.
CBBank sẽ về với Vietcombank, trong khi OceanBank đang nhận sự hỗ trợ từ MB. GPBank nhiều khả năng sẽ được VPBank tiếp nhận và ngân hàng cuối cùng là DongABank sẽ về tay HDBank.
© thitruongbiz.vn