Bên cạnh sự chú ý về quy trình thực hiện, cần phải kết hợp giữa trong nước và nước ngoài, đặc biệt là liên kết với các tổ chức quốc tế để có được những nguồn tín dụng rẻ...
Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19. Cụ thể, năm 2020, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí với tổng trị giá khoảng 129.000 tỷ đồng, trong số đó, gia hạn khoảng 97.500 tỷ đồng, số miễn giảm là hơn 31.500 tỷ đồng.
Tới đây, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục ưu tiên hơn nữa, trong việc tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp, đặc biệt đẩy mạnh tính hiệu quả của thực thi các đề xuất miễn, giảm thuế (ảnh minh hoạ) |
Tới đây, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục ưu tiên hơn nữa, trong việc tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp, đặc biệt đẩy mạnh tính hiệu quả của thực thi các đề xuất miễn, giảm thuế (ảnh minh hoạ)
Chính sách cần cởi mở
Tới đây, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục ưu tiên hơn nữa, trong việc tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp, đặc biệt đẩy mạnh tính hiệu quả của thực thi các đề xuất miễn, giảm thuế. Dự kiến trong năm 2021, khoản hỗ trợ là 118.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng doanh nghiệp tiếp cận hỗ trợ thuế của Bộ Tài chính còn khá khiêm tốn, do vẫn còn nhiều bất cập tồn tại trong việc thực thi, triển khai chính sách của Chính phủ, đó cũng là nỗi băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhận định, đến năm nay, vẫn còn một số đơn vị vẫn bị tính tiến nộp chậm thuế do không thực hiện các thủ tục gia hạn, một phần do họ không tiếp cận đầy đủ thông tin và không biết cách thực hiện thủ tục. Nếu các doanh nghiệp đều biết 100% về thông tin, quy trình thì sẽ không để tình trạng bị tính tiền chậm nộp xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Cúc |
Thực tế, trong những đợt gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trong năm 2020-2021, nhiều tiêu chuẩn về đối tượng thụ hưởng, thủ tục rườm rà, mất thời gian chờ đợi, là những lý do chính khiến các doanh nghiệp không chủ động tiếp cận, tìm hiểu các gói hỗ trợ. Như chia sẻ của bà Ngô Thị Ánh Vân, giám đốc nhân sự khách sạn Phát Linh tại Hạ Long cho biết, hiện nay do chính sách thuế từ Chính phủ xuống, thủ tục còn rườm rà, để doanh nghiệp nhận được gói hỗ trợ thì chưa được kịp thời, do vậy doanh nghiệp vẫn phải mất thời gian chờ đợi. Rất mong Chính phủ có những chính sách về thuế nhanh gọn, giúp doanh nghiệp tiến hành các bước tiếp cận chính sách ưu đãi của Chính phủ thuận lợi hơn.
Kể từ thời gian đầu khi dịch bệnh gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, Bộ Tài chính cũng đã bám sát tình hình, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và ban hành các cái giải pháp về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người dân. Tuy nhiên, quy trình thực hiện trước đây còn gặp nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp vẫn kỳ vọng vào việc có thể tiếp cận và thụ hưởng gói miễn giảm thuế trị giá 21.300 tỷ đồng sắp tới để sớm phục hồi năng suất, quy mô hoạt động như thời điểm trước dịch bệnh.
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh bày tỏ: “Với những chủ trương của Chính phủ rất đúng đắn, nhưng cần sớm hỗ trợ chúng tôi tiếp cận những chính sách này để vượt qua thời gian khó khăn, phát triển kinh tế. Với vai trò là một trong những doanh nghiệp đầu tàu, nếu được hỗ trợ tốt hơn, chúng tôi có thể tiếp tục hỗ trợ cho những doanh nghiệp nhỏ hơn, trên nền tảng thu gom tập trung, sản xuất tập trung, thì sẽ hiệu quả hơn”.
Doanh nghiệp cần chủ động
Việc nâng cao hiệu quả tiếp cận gói hỗ trợ thuế, phí trong thời gian tới cần có lời giải từ nhiều phía và tăng cường thông tin đa kênh, cũng như áp dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai thực hiện. Nhưng bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động trong việc tiếp cận thông tin và đăng ký hỗ trợ thuế nhanh chóng, để sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Trong buổi công bố báo cáo cập nhật kinh tế châu Á Thái Bình Dương mới đây, Ngân hàng Thế giới đánh giá, dịch COVID-19 giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghệ tại nhiều quốc gia, tuy nhiên tại Việt Nam, việc phổ biến công nghệ còn chậm hơn so với các nước trong khu vực. Do đó, nhiều doanh nghiệp và người dân đã chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ, cũng như chưa cải thiện năng suất lao động.
Ông Tô Hoài Nam |
Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề xuất: “Thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chúng tôi rất mong muốn các chính sách tới đây phải tập trung nhiều vào thực thi, tổ chức thực hiện. Để làm tốt việc này, chúng ta cần phải chuẩn bị hai điều kiện rất quan trọng đó là: Thứ nhất là nguồn lực, sẵn sàng để các doanh nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ và nhận được sự hỗ trợ. Thứ hai, sẽ có một cơ chế thật minh bạch, bởi vì chỉ có minh bạch mới làm cho việc hỗ trợ được hiệu quả hơn, những vấn đề tồn tại, hay những người gây khó cho doanh nghiệp sẽ không dám thực hiện những hành vi gây rào cản”.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc khuyến nghị, để thực thi chính sách hiệu quả cần sự phối hợp từ cả hai bên, phía doanh nghiệp nên cố gắng tiếp cận các thông tin trên tất cả các phương tiện truyền thông như báo chí, website của cơ quan thuế, Tổng cục Thuế, kênh thông tin của địa phương. Ngoài những thông tin cần thiết đó và những văn bản gửi chung, thì hiện nay phương tiện điện tử cũng rất thuận tiện, Tổng cục Thuế hay cơ quan thuế địa phương đặc biệt là cơ quan quản lý thuế trực tiếp có thể gửi thông tin điện tử qua Email đến các doanh nghiệp, thông báo khi có Nghị định của Chính phủ.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, gói hỗ trợ lần một chúng ta tung ra trong bối cảnh dịch lan mạnh, các biện pháp rất quyết liệt, chưa có tiền lệ trong lịch sử, nên chưa có thời gian để nghiên cứu. Do đó, các đối tượng còn hẹp hơn, điều kiện ngặt nghèo và quy mô còn nhỏ. Với ba bất cập đó, gói hỗ trợ sau này chắc chắn sẽ phải lưu ý để khắc phục.
Ông Nguyễn Minh Phong |
“Chúng ta cũng phải chú ý tới quy trình thực hiện sao cho giảm thiểu, đỡ tốn kém, đỡ phức tạp và tránh bị lạm dụng. Bên cạnh đó, hỗ trợ cần phải kết hợp giữa trong nước và nước ngoài, đặc biệt là liên kết với các tổ chức quốc tế để có được những nguồn tín dụng rẻ trong bối cảnh Việt Nam các nguồn lực dự trữ sẽ hạn chế dần”, vị chuyên gia khuyến nghị,
Như vậy, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách về thuế hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, nhưng các doanh nghiệp cần nhận thức đúng về chính sách, để tiếp cận một cách chủ động và hiệu quả, không thụ động ngồi chờ, mà cần chủ động trong tìm kiếm nắm bắt thông tin, chủ động trong khâu chuẩn bị các thủ tục nộp cho cơ quan thuế, kịp thời nắm rõ lộ trình và thời gian giảm thuế, cũng như nộp lại số tiền được gia hạn. Việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ liên quan tới chính sách thuế sẽ là “phao cứu sinh” kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngăn đà phá sản, duy trì sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội trước tác động của dịch bệnh.
© thitruongbiz.vn