Ngày 7/10, giải thưởng Nobel Văn học năm 2021 của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã xướng tên tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah người Tanzania.
Trong tất cả các giải thưởng Nobel, Giải Nobel Văn học luôn được nhiều người trông đợi, và xem là giải thưởng danh giá có sức ảnh hưởng trên toàn thế giới. Sự kiện này vừa diễn ra ngày 7/10, với giải thưởng trị giá 10 triệu krona (hơn 26 tỉ đồng). Giải thưởng được trao cho “người sẽ tạo ra tác phẩm xuất sắc nhất theo một định hướng lý tưởng trong lĩnh vực văn học”, theo di chúc của Alfred Nobel - người sáng lập giải Nobel.
Tại lễ công bố giải thương Nobel Văn học năm 2021 của Viện Hàn lâm Thụy Điển, giải thưởng này đã gọi tên tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah người Tanzania.
Ông Abdulrazak Gurnah được vinh danh tại Nobel năm nay “vì sự thâm nhập không khoan nhượng và nhân ái của ông đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa".
Giải Nobel Văn học 2021 ngày 7.10 được trao cho tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah. |
Tóm tắt về tiểu sử của tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah, Viện Hàn lâm Thụy Điển thông tin như sau: Ông Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948 và lớn lên tại đảo Zanzibar ở phía đông châu Phi. Năm 1890, Zanzibar trở thành lãnh thổ bảo hộ của Anh.
Sau cuộc giải phóng hòa bình khỏi ách thống trị của thực dân Anh, tháng 12/1963, Zanzibar trải qua một cuộc cách mạng mà đã dẫn đến sự đàn áp và bắt bớ công dân gốc Ả Rập, nhiều vụ thảm sát.
Gurnah thuộc nhóm nạn nhân dân tộc thiểu số và sau khi học xong, năm 18 tuổi, ông bị buộc phải rời gia đình và chạy trốn khỏi đất nước, Cộng hòa Tanzania khi đó mới vừa thành lập. Cuối những năm 1960, ông đến Anh với tư cách là một người tị nạn.
Mãi đến năm 1984, ông mới có thể quay trở lại Zanzibar để gặp cha mình ngay trước khi cha qua đời. Trước khi về hưu, Abdulrazak Gurnah là giảng viên tiếng Anh và văn chương hậu thuộc địa tại Đại học Kent ở Canterbury.
Trong sự nghiệp của mình, ông Gurnah đã xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết và một số tập truyện ngắn. Chủ đề về những người di cư luôn xuyên suốt trong các tác phẩm của ông. |
Các tác phẩm của ông vốn đã nhận được một số giải thưởng danh giá trong văn đàn Anh. Một số tác phẩm nổi bật của ông có thể kể tới các cuốn "Paradise" (1994), "By the Sea" (2001), "Desertion" (2005). Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel Văn học, gọi ông là "một trong những nhà văn thời hậu thuộc địa nổi bật nhất thế giới".
Tuy nhiên, tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông Abdulrazak Gurnah là Paradise (1994), được lọt vào danh sách rút gọn của Giải Booker và giải thưởng văn học Whitbread, được trao hàng năm cho những nhà văn sống ở Anh và Ireland. Tác phẩm ra đời sau một chuyến đi Đông Phi vào khoảng năm 1990, kể về tuổi mới lớn, chuyện tình buồn cũng như niềm tin xung đột nhau.
Nobel Văn học là 1 trong 6 hạng mục của giải Nobel, được trao cho tác giả từ bất kỳ quốc gia nào. Trong số 117 người đoạt giải Nobel Văn học kể từ khi giải thưởng đầu tiên được trao năm 1901, 95 người (hơn 80%) là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Riêng Pháp đã 15 lần giành giải Nobel Văn học, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ngoài ra, 101 tác giả giành chiến thắng là nam giới và chỉ có 16 phụ nữ. Điều đáng chú ý của giải Nobel Văn học, đó là giải này chỉ trao cho những nhà văn - nhà thơ còn đang sống. Giải tôn vinh cả sự nghiệp sáng tác của tác giả, không tôn vinh riêng một tác phẩm cụ thể nào. |
© thitruongbiz.vn