Giá heo hơi hôm nay (11/8) tăng nhẹ từ 1.000 – 2.000 đồng/kg tại khu vực miền Bắc và miền Nam, còn tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên đi ngang. Nhờ thị trường lúa hè thu giao dịch ổn định, giá lúa gạo hôm nay chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh giảm.
Tại khu vực miền Bắc, giá thịt lợn hơi hôm nay tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể, tại cùng tăng lên mức 70.000 đồng/kg, giá lợn hơi hôm nay tại Thái Bình tăng 1.000 đồng/kg còn tại Hà Nội tăng 2.000 đồng/kg so với ngày trước đó. Mức giá 70.000 đồng/kg còn được ghi nhận tại Hưng Yên. Hà Nam là địa phương có giá lợn hơi thấp nhất khu vực khi neo tại mức 65.000 đồng/kg. Nhiều tỉnh thành còn lại tiếp tục giao dịch trong khoảng 66.000 - 68.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay đồng loạt đứng yên tại hầu hết tỉnh thành và dao động trong khoảng 60.000 - 68.000 đồng/kg. Cụ thể, Quảng Ngãi tiếp tục là địa phương dẫn đầu toàn khu vực với giá thu mua đạt mốc 68.000 đồng/kg. Theo sát phía sau là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa khi neo tại mốc 67.000 đồng/kg. Bình Thuận đang neo tại mốc 60.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá giao dịch thấp nhất khu vực tính tới thời điểm hiện tại.
Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay tăng rải rác so với ngày hôm qua và dao động trong khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg. Theo đó, tại Vũng Tàu, giá lợn hơi hôm nay tăng 1.000 đồng/kg lên mức 62.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Trà Vinh. Cùng ghi nhận mức tăng cao 2.000 đồng/kg, thương lái hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng đang thu mua lợn hơi với giá là 63.000 đồng/kg và 65.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại không ghi nhận biến động mới trong ngày ngày hôm nay. Trong đó, mức giá lợn hơi cao nhất khu vực 70.000 đồng/kg được ghi nhận tại Cà Mau.
Do sự chênh lệch về giá lợn hơi và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng đã dẫn đến việc buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có văn bản yêu cầu các đơn vị đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái phép.
Theo đó, đảm bảo không để xảy ra tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt ngăn chặn vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa phương qua các đường mòn, lối mở… với Lào. Khi phát hiện, bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển bất hợp pháp sẽ xử lý nghiêm, tiêu hủy theo quy định. Tại thời điểm này, đàn lợn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế ước khoảng 155 ngàn con, tăng 6.600 con, tương ứng tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng từ đầu năm đến nay đã kiểm dịch xuất hơn 7.500 con lợn giống, 31 ngàn con lợn thịt; kiểm tra, giám sát việc nhập gần 152 ngàn con lợn thịt và 700 tấn sản phẩm động vật đông lạnh hợp pháp.
Cùng với Thừa Thiên Huế, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cũng đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn hoạt động vận chuyển heo và sản phẩm từ heo trái phép. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp nhập lậu, buôn bán heo, thịt heo không rõ nguồn gốc tại các địa phương.... Các nội dung triển khai của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm quản lý chặt chẽ việc vận chuyển heo không rõ nguồn gốc; phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh.
Giá lúa gạo hôm nay đi ngang sau phiên điều chỉnh giảm. Cụ thể, tại An Giang, lúa Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; OM 18 5.800 – 5.950 đồng/kg; IR 504 ở mức 5.300 – 5.450 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; Đài thơm 8 5.700 – 5.900 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa nếp, nếp An Giang tươi 5.900 – 6.000 đồng/kg, nếp tươi Long An 6.200 – 6.400 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh tăng. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 8.150 – 8.250 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm tiếp tục duy trì ổn định ở mức 8.650 – 8.750 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá ổn định. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.500 – 8.600 đồng/kg; cám khô 8.500 – 8.550 đồng/kg.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam chững lại sau phiên điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá gạo 5% tấm ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 378 USD/tấn; gạo 100% tấm giá ổn định ở 383 USD/tấn.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, lúa gạo của Việt Nam trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục có nhu cầu tăng trưởng nhập khẩu và đặc biệt là từ các nước Châu Phi. Ngoài ra, nhu cầu từ các nước như Philippines, Malaysia, Indonesia cũng sẽ tăng cao do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga – Ucraina khiến nguồn cung lương thực bị đứt gãy. Đặc biệt, việc Chính phủ Philippines cấp lại giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm (SPS-IC) cho các cái doanh nghiệp nhập khẩu gạo là một trong những dấu hiệu tích cực cho mặt hàng gạo vào thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam.
Về tình hình sản xuất vụ thu đông, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến cáo khi bố trí thời vụ cho lúa thu đông cần lưu ý đến thời điểm xuống giống chính vụ lúa Đông Xuân 2022- 2023, chú ý kết thúc xuống giống lúa thu đông vào ngày 20/8, tối đa là 30/8/2022. Sử dụng những giống lúa cho vụ thu đông cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã (trong vụ thu đông năm nay, khuyến cáo cơ cấu giống lúa sử dụng: Giống lúa chủ lực xuất khẩu gồm OM5451, OM6976, OM18, OM7347, OM4900...).
Tại Vĩnh Long, vụ thu đông năm nay tỉnh có kế hoạch gieo sạ 41.000ha, chia làm 3 đợt chính, từ ngày 5/6- 22/8/2022. Đợt 1, tập trung xuống giống 7.000ha, từ ngày 5- 23/6. Đợt 2 (đợt chính), xuống giống 29.000ha, tập trung từ ngày 8- 23/7. Đợt 3, xuống giống 5.000ha từ 7- 22/8. Các giống lúa được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến cáo sử dụng là nhóm giống lúa chủ lực như: OM5451, OM4900, OM6976, Đài thơm 8, OM18, OM380… và nhóm giống lúa bổ sung, gồm: LH8, OM2517, OM9577, OM9955…
Sau khi Chính phủ và Bộ Công Thương có công điện chỉ đạo triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, giá hàng hóa, thực phẩm bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy mức giảm chưa thực sự nhiều và rõ rệt nhưng điều này cho thấy thị trường đang có động thái tốt lên theo hướng có lợi cho người dân.
Giá rau xanh hiện đã có dấu hiệu giảm, tuy mức giảm chưa được cao song sẽ thuận lợi hơn cho việc kinh doanh. Theo nhận định từ các chủ đầu mối, trong gần một tuần trở lại đây, giá cả thị trường rau củ quả đang theo đà giảm chung với các loại thực phẩm khác. Các mặt hàng rau củ xuống tối thiểu 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Tại các chợ dân sinh và các siêu thị, giá rau củ quả cũng đang được điều chỉnh giảm, tuy mức giảm được người dân đánh giá là chưa tương xứng. Đây là tín hiệu tốt từ thị trường, dự đoán thời gian sắp tới giá rau củ quả sẽ tiếp tục hạ nhiệt.
© thitruongbiz.vn