Không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, nhóm kim loại trong phiên giao dịch hôm qua cũng tiếp tục nối dài đà suy yếu trong bối cảnh thị trường liên tục đón nhận những thông tin kém lạc quan về tình hình tiêu thụ.
Đáng chú ý, giá quặng sắt trong phiên hôm qua đã chấm dứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp, quay đầu suy yếu hơn 0,6% dừng ở mốc 98,9 USD/tấn.
Đà suy yếu của mặt hàng quặng sắt đến từ những dữ liệu về tình hình sản xuất, tiêu thụ của Trung Quốc - thị trường nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), sản lượng thép thô của Trung Quốc đã giảm xuống mức 83,18 triệu tấn trong tháng 6, tương ứng với mức giảm gần 4% so với tháng 5 và giảm tới hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), xuất khẩu thép thành phẩm của nước này trong tháng 6 ở mức 9,7 triệu tấn, giảm 8,5% so với tháng 5. Dữ liệu cho thấy việc cắt giảm sản lượng đang bắt đầu diễn ra theo đúng chủ trương đã đề ra trước đó của Bắc Kinh, trong bối cảnh hoạt động nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép ra thị trường quốc tế suy yếu.
Bên cạnh đó, số liệu từ GACC cũng cho thấy lượng nhập khẩu quặng sắt trong tháng 6 của Trung Quốc đạt 105,9 triệu tấn, mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo đơn vị phân tích thị trường kim loại SMM, lượng quặng sắt nhập khẩu tăng mạnh chủ yếu do các doanh nghiệp khai khoáng như BHP và Rio Tinto đẩy mạnh giao hàng để hoàn thành mục tiêu quý II. Tổ chức này cũng dự báo nhập khẩu quặng sắt trong tháng 7 sẽ giảm do nhiều mỏ bước vào giai đoạn bảo trì.
Ngoài ra, bất chấp những nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản của Bắc Kinh, chỉ số giá nhà ở tại Trung Quốc trong tháng 6 tiếp tục kéo dài đà suy yếu trong 2 năm gần đây, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này càng củng cố lo ngại rằng nhu cầu thép từ lĩnh vực xây dựng sẽ khó hồi phục trong ngắn hạn.
Về tình hình vĩ mô, GDP quý II/2025 của Trung Quốc tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, dù giảm nhẹ so với mức 5,4% của quý I nhưng vẫn vượt dự báo của giới chuyên gia là 5,1%. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh cần tung ra gói kích thích tài khóa trị giá 1.500 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 200 tỷ USD, kết hợp với việc cắt giảm lãi suất để bù đắp được tác động từ thuế quan của Washington, qua đó thúc đẩy chi tiêu trong nền kinh tế.
Tại thị trường Việt Nam, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 6 ghi nhận những diễn biến trái chiều. Theo số liệu sơ bộ từ Cục Hải quan Việt Nam, nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 6 giảm mạnh 9,6% so với tháng 5, xuống mức khoảng 1,2 triệu tấn.
Ở chiều xuất khẩu, khối lượng xuất khẩu các sản phẩm trên đạt hơn 931.000 tấn trong tháng 6, tăng 4,3% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam vẫn giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 5,66 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ xu hướng tiêu thụ toàn cầu chậm lại và giá thép quốc tế duy trì ở mức thấp, tạo áp lực lớn lên hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.
URL: https://thitruongbiz.vn/gia-quang-sat-cham-dut-chuoi-5-phien-tang-lien-tiep-d29592.html
© thitruongbiz.vn