Giá dầu Brent đạt 72,16 USD/thùng, tăng 2,24% so với tuần trước. Giá dầu WTI giao tháng 5 cũng tăng 2,05%, chốt ở mức 68,28 USD/thùng, cao nhất từ đầu tháng 3 đến nay.
Thị trường năng lượng vừa khép lại tuần tăng giá thứ hai liên tiếp trong tháng 3/2025, với sự hỗ trợ từ căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông và các động thái cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+.
Đóng cửa, giá dầu Brent đạt 72,16 USD/thùng, tăng 2,24% so với tuần trước. Giá dầu WTI giao tháng 5 cũng tăng 2,05%, chốt ở mức 68,28 USD/thùng, cao nhất từ đầu tháng 3 đến nay.
Những diễn biến căng thẳng tại Trung Đông đã đẩy giá dầu lên cao. Các cuộc không kích của Mỹ vào lực lượng Houthi tại Yemen và cảnh báo từ Tổng thống Donald Trump nhắm vào Iran đã khiến khu vực Biển Đỏ trở thành điểm nóng ngay từ đầu tuần. Tình hình chính trị của khu vực ngay lập tức xấu đi ngay vào ngày hôm sau, khi Israel thực hiện các cuộc không kích vào dải Gaza. Điều này đe dọa không chỉ khả năng cung cấp dầu từ khu vực này mà còn cả an ninh của một trong những tuyến vận tải biển đông đúc nhất thế giới.
Tiếp đó, ngày 20/3, Mỹ còn công bố loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngành dầu mỏ Iran, tiếp tục thực hiện chính sách gây sức ép tối đa để đưa xuất khẩu dầu của nước này về con số không. Những lệnh trừng phạt này cũng nhắm đến các thực thể Trung Quốc nhập khẩu dầu từ Iran, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung toàn cầu.
Cùng ngày, nhóm OPEC+ cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng mới. Theo bản kế hoạch này; từ 189.000 đến 435.000 thùng dầu mỗi ngày sẽ bị cắt hàng tháng, với thời hạn là đến tháng 6/2026. Kế hoạch nhắm nhiều đến các nước đã cung cấp lượng dầu vượt quá hạn mức đặt ra của OPEC+ là 1,47 triệu thùng mỗi ngày; đặt biệt là Kazakhstan.
Vòng trừng phạt lần thứ 4 của Washington nhắm đến Tehran kể từ tháng 2 cùng bản kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã khiến giá dầu tăng mạnh vào hai phiên giao dịch cuối tuần. Đặc biệt, phiên giao dịch hôm thứ năm ghi nhận mức tăng lên tới 1,72% đối với giá dầu Brent và 1,64% đối với giá dầu WTI.
Một yếu tố hỗ trợ đẩy giá dầu lên cao khác là những dự đoán của giới đầu tư về sự phục hồi của Trung Quốc, nguồn cầu dầu lớn nhất thế giới. Sự tăng trưởng doanh thu bán lẻ, sản lượng sản xuất công nghiệp không giảm sâu như lo ngại, cùng các chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đi kèm với báo cáo nhập khẩu dầu thô vào tháng 1 và tháng 2 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái đã thị trường có thêm niềm tin vào nguồn cầu dầu trong tương lai.
Điều này càng trở nên quan trọng khi các biện pháp trừng phạt Iran của chính quyền Tổng thống Trump đã nhắm đến các thực thể Trung Quốc nhập khẩu dầu từ Iran. Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran, và các biện pháp trừng phạt của Washington có thể khiến các nhà nhập khẩu dầu của Trung Quốc phải tìm nguồn cung khác, thu hẹp chênh lệch cung – cầu từ cả hai phía, qua đó, làm tăng giá dầu.
URL: https://thitruongbiz.vn/gia-dau-tiep-da-tang-sau-cu-hich-tu-trung-dong-d27773.html
© thitruongbiz.vn