Giá của 4 trên 5 mặt hàng đồng loạt tăng mạnh từ 4-6% so với tuần trước. Trong đó, hai mặt hàng dầu thô cùng tăng khoảng 5% trong bối cảnh thị trường dần thích ứng với các chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Theo ghi nhận của MXV, thị trường năng lượng tiếp tục gây chú ý khi dẫn dắt đà tăng của toàn thị trường. Giá của 4 trên 5 mặt hàng đồng loạt tăng mạnh từ 4-6% so với tuần trước. Trong đó, hai mặt hàng dầu thô cùng tăng khoảng 5% trong bối cảnh thị trường dần thích ứng với các chính sách thuế quan mới của Mỹ và những lo ngại về nguồn cung từ cuối tháng 3 đã quay trở lại.
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu 18/4, hai sàn giao dịch NYMEX và ICE EU nghỉ lễ, do đó giá hai mặt hàng dầu Brent và WTI dừng lại ở mức lần lượt là 67,96 USD/thùng và 64,68 USD/thùng khi đóng cửa ngày thứ Năm (17/4). Đây cũng là phiên giao dịch có mức tăng giá mạnh nhất trong tuần sau cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Italia Giorgia Meloni tại Nhà Trắng. Những phát biểu lạc quan đến từ cả hai vị nguyên thủ quốc gia về khả năng tiến tới một thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã hâm nóng lại thị trường.
Trong khi Thủ tướng Meloni còn khá thận trọng và chờ thêm vào các cuộc đối thoại mới giữa EU và các thành viên với Mỹ trong tương lai thì Tổng thống Trump lại thể hiện sự tự tin không chỉ về thỏa thuận thương mại mới với EU và còn cả những thỏa thuận mới với các đối tác thương mại lớn khác. Sự lạc quan này đã giúp xóa bỏ phần nào những lo lắng về bất ổn trên thị trường có thể khiến nhu cầu dầu sụt giảm, qua đó tạo đà hồi phục giá dầu.
Bên cạnh đó, nỗi lo lắng về nguồn cung dầu đã quay trở lại khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô Iran và Venezuela; OPEC+ thì công bố bản kế hoạch cắt giảm sản lượng.
Ngày 16/4, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran. Mặc cho hai phía đã có những phản hồi tích cực sau vòng đàm phán đầu tiên tại Oman và hướng tới vòng đàm phán thứ hai tại Italia diễn ra vào cuối tuần qua; trong thông cáo của mình, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Tổng thống Trump đã yêu cầu tái khởi động chiến dịch gây “áp lực tối đa” lên Iran sau những phát biểu của đại diện hai bên thể hiện sự bất đồng về chương trình hạt nhân của Tehran.
Trong số những thực thể bị áp dung các biện pháp trừng phạt mới có bao gồm một nhà máy lọc dầu “ấm trà” tại Trung Quốc cũng như các công ty và đội tàu bị cáo buộc hỗ trợ vận chuyển dầu thô từ Iran. Ngoài ra, xuất khẩu dầu thô từ Venezuela cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau những biện pháp trừng phạt được Nhà Trắng công bố vào ngày 24/3. Hiện tại các đối tác liên doanh nước ngoài của công ty dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) đều đã bị yêu cầu ngưng xuất khẩu dầu thô và các mặt hàng có liên quan từ cả Chính phủ Mỹ lẫn PDVSA.
Nguồn cung dầu thô từ các nước nhóm OPEC+ cũng có thể gặp tình trạng thiếu hụt sau bản kế hoạch cắt giảm sản lượng dư thừa được công bố vào ngày 16/4. Theo bản kế hoạch này; mức cắt giảm hàng tháng sẽ dao động từ 196.000 thùng/ngày đến 520.000 thùng/ngày từ nay cho đến tháng 6/2026; tăng mức cắt giảm sản lượng thêm 369.000 thùng/ngày so với bản kế hoạch trước đó được công bố vào ngày 20/3; với hai quốc gia nổi bật tiếp tục là Iraq và Kazakhstan.
URL: https://thitruongbiz.vn/gia-dau-tho-tang-vot-5-trong-tuan-qua-d28201.html
© thitruongbiz.vn