Giá dầu Brent ghi nhận mức tăng 1,29%, đạt 80,8 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI cũng đi lên 1,71%, đạt 77,9 USD/thùng.
Khép lại tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thế giới tăng hơn 1%, đánh dấu tuần thứ tư tăng liên tiếp. Yếu tố chính hỗ trợ đà tăng của giá dầu là từ lo ngại dòng chảy dầu Nga bị thu hẹp và dữ liệu kinh tế tích cực tại Trung Quốc và Mỹ.
Cụ thể, giá dầu Brent ghi nhận mức tăng 1,29%, đạt 80,8 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI cũng đi lên 1,71%, đạt 77,9 USD/thùng.
Ngày 10/1, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào hai tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas, 183 tàu lớn thuộc “đội tàu bóng đêm” chuyên xuất khẩu dầu Nga, và các mạng lưới kinh doanh dầu liên quan. Mỹ cũng dỡ bỏ lệnh miễn trừ trừng phạt đối với hoạt động trung gian liên quan đến thanh toán năng lượng tại các ngân hàng Nga. Như vậy, mọi công đoạn trong chuỗi sản xuất và cung ứng dầu Nga đều bị trừng phạt, khiến các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc và Ấn Độ phải đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung thay thế và giá dầu đã “tăng nhiệt” mạnh trước thông tin này.
Cuối tuần qua, ngày 17/1, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 17/1 cho biết năm ngoái, GDP nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 5%. Tốc độ này vượt dự báo của giới phân tích là 4,9% và đạt mục tiêu của giới chức Trung Quốc tăng trưởng quanh 5%. Sau khi dữ liệu này công bố, thị trường dầu đã được “tiếp sức” nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc sẽ tăng trong thời gian tới.
Về phía Mỹ, lạm phát đang dần hạ nhiệt. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 12 tăng 0,2% so với tháng 11, thấp hơn dự đoán 0,3% của các nhà kinh tế. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 12 tăng 0,4% so với tháng 11, tăng ít hơn dự kiến và phù hợp với ước tính trước đó.
Ngoài ra, giá dầu còn được hưởng lợi từ việc tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 10/1 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022, đạt 412,7 triệu thùng, nhờ việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, rủi ro gián đoạn dòng chảy dầu tại Trung Đông đã giảm bớt, đồng thời cản đà tăng giá của các mặt hàng dầu. Theo đó, hôm thứ Sáu (17/1), Nội các An ninh Israel đã thông qua thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza giữa Israel và Hamas, tổ chức vũ trang được Iran hậu thuẫn. Động thái này có thể khiến Houthi (Yemen), lực lượng được chính quyền Tehran ủng hộ, đình chỉ những cuộc tấn công nhắm vào các tàu hàng hàng đi qua Biển Đỏ.
Thêm vào đó, báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu trong 2 năm tới sẽ chịu sức ép lớn từ việc tăng trưởng sản lượng nguồn cung vượt quá nhu cầu tổng thể, từ đây ghìm lại đà đi lên của giá.
Không chỉ vậy, giá dầu còn chịu áp lực từ sản lượng lọc dầu tại Trung Quốc trong năm 2024 giảm 1,6% so với năm 2023, đạt 708,43 triệu tấn, tương đương 14,1 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển của lĩnh vực xe điện đã thu hẹp nhu cầu tiêu thụ xăng, trong khi khủng hoảng bất động sản kéo dài khiến nhu cầu đối với dầu diesel suy yếu.
URL: https://thitruongbiz.vn/gia-dau-the-gioi-tang-hon-1-d26930.html
© thitruongbiz.vn