Đầu tuần, giá hai mặt hàng cà phê bất ngờ giảm sâu, đặc biệt là cà phê Robusta khi đánh mất hơn 15% chỉ trong hai phiên giao dịch.
Khép lại tuần giao dịch vừa qua, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Tâm điểm chú ý của thị trường vẫn là diễn biến giá cà phê.
Giá hai mặt hàng cà phê đã trải qua một tuần đầy biến động với hai phiên đầu tuần lao dốc nhưng nhanh chóng hồi lại vào ba phiên cuối tuần. Kết tuần, giá cà phê Arabica tăng 3,84%, vượt mốc 7.200 USD/tấn và thiết lập mức đỉnh lịch sử mới trong 47 năm. Trong khi đó, giá cà phê Robusta giảm 4,73% so với mức đỉnh lịch sử được xác lập vào tuần trước.
Đầu tuần, giá hai mặt hàng cà phê bất ngờ giảm sâu, đặc biệt là cà phê Robusta khi đánh mất hơn 15% chỉ trong hai phiên giao dịch. Thông tin cơ bản không thay đổi, giá chịu áp lực từ việc chốt lời của giới đầu tư và áp lực từ tỷ giá USD/BRL. Trong phiên ngày 2/12, chỉ số Dollar Index tăng vọt gần 1% sau khi ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội sẽ áp mức thuế quan 100% với các quốc gia thuộc BRICS nếu họ cố tình tạo ra đồng tiền mới để thay thế đồng USD. Trong khi đó, đồng Real nội địa của Brazil lại yếu đi, kéo theo tỷ giá USD/BRL tăng vọt 1,42%, lên mức cao lịch sử. Chênh lệch ngày càng lớn, thúc đẩy tâm lý lo ngại nông dân Brazil có thể đẩy mạnh việc bán cà phê để hưởng lợi. Điều này kéo dòng tiền ra khỏi thị trường cà phê khiến giá giảm mạnh.
Tuy vậy, giá nhanh chóng đảo chiều phục hồi từ giữa tuần khi những lo ngại về nguồn cung trở lại lấn át thị trường. Lượng mưa liên tục dưới mức trung bình lịch sử tại vùng trồng cà phê chính của Brazil, khiến triển vọng nguồn cung niên vụ 2025 - 2026 tiếp tục đi theo hướng tiêu cực. Somar Meteorologia báo cáo lượng mưa tại Minas Gerais, bang trồng cà phê Arabica lớn nhất Brazil ở mức 17,8 mm vào tuần trước, tương đương 31% mức trung bình lịch sử.
Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), ước tính sơ bộ trong tháng 11 Việt Nam đã xuất khẩu 60.445 tấn cà phê, bằng 50,87% lượng cà phê xuất đi trong cùng kỳ năm 2023. Tính chung 11 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 1,21 triệu tấn cà phê, giảm 14,26% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu này cũng góp phần kéo giá đi lên.
Trong tuần qua, thị trường cũng đón nhận một số thông tin cung - cầu cà phê quan trọng. Nổi bật là việc Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã nâng dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 của Việt Nam lên 28 triệu bao, cao hơn 1 triệu bao so với dự báo trước. Liên đoàn Cà phê Colombia (FNC) cũng ước tính sản lượng cà phê năm 2024 của nước này ở mức 13,6 triệu bao loại 60kg, tăng 20% so với năm 2023 và cao hơn 600.000 bao so với dự đoán trước nhờ kiểm soát dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, FNC cũng báo cáo trong tháng 11 nước này sản xuất được 1,76 triệu bao cà phê Arabica đã rửa loại 60kg, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 11 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, lên 1,19 triệu bao. Thêm vào đó, theo số liệu từ Chính phủ Brazil, trong tháng 11, Brazil xuất khẩu 285.447 tấn cà phê nhân, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (9/12) ghi nhận ở mức 123.000 - 124.000 đồng/kg, không thay đổi so với ngày 8/12. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê hiện đã tăng gấp đôi.
URL: https://thitruongbiz.vn/gia-ca-phe-the-gioi-dien-bien-trai-chieu-d26446.html
© thitruongbiz.vn