Sắc xanh bao phủ toàn bộ thị trường kim loại trong phiên giao dịch ngày hôm qua trong bối cảnh thị trường phản ứng trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, tín hiệu kinh tế tích cực của Trung Quốc và nguy cơ nguồn cung suy giảm.
Chốt phiên, giá bạc nhích thêm 0,62%, lên mức 33,06 USD/ounce, đánh dấu phiên tăng thứ tư liên tiếp. Bạch kim cũng nối dài xu hướng đi lên với mức tăng 0,5%, đạt 979,7 USD/ounce.
Nhóm kim loại quý được hưởng lợi khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục nóng lên. Tại một sự kiện ở trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 5/3, các lãnh đạo doanh nghiệp đã kêu gọi thông qua dự luật nhằm trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc nhận trợ cấp từ chính phủ và lách thuế nhập khẩu thông qua nước thứ ba. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ siết chặt biện pháp xử lý hành vi trốn thuế, thay vì chỉ dừng lại ở mức xử phạt tài chính.
Ở chiều ngược lại, căng thẳng giữa Mỹ với Canada và Mexico phần nào được xoa dịu khi Tổng thống Donald Trump thông báo tạm hoãn mức thuế 25% đối với hai quốc gia này đến ngày 2/4. Dữ liệu thị trường lao động Mỹ cũng cho thấy sự ổn định khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống 221.000, thấp hơn đáng kể so với dự báo 234.000. Điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (FED) thận trọng hơn trong quyết định cắt giảm lãi suất, qua đó gây áp lực lên các tài sản không sinh lãi như bạc và bạch kim.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp tục tăng 0,28%, đạt 4,8 USD/pound (tương đương 10.598 USD/tấn), trong khi quặng sắt đảo chiều hồi phục 0,6%, lên mức 100,4 USD/tấn.
Thị trường kim loại cơ bản khởi sắc sau dữ liệu tích cực về hoạt động sản xuất của Trung Quốc. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) lĩnh vực dịch vụ nước này tăng nhẹ lên 51,4 điểm trong tháng 2, phản ánh nhu cầu cải thiện và lượng đơn hàng xuất khẩu gia tăng. Điều này làm dấy lên kỳ vọng rằng sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ kim loại trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, lo ngại về nguy cơ khan hiếm nguồn cung đồng tại Mỹ trong bối cảnh Washington có thể siết chặt chính sách nhập khẩu cũng góp phần giữ giá đồng ở mức cao. Theo nhận định của ngân hàng ANZ, Mỹ có thể đối mặt với thách thức lớn trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế nếu áp dụng các biện pháp hạn chế mới.
URL: https://thitruongbiz.vn/gia-bac-tang-phien-thu-tu-lien-tiep-d27502.html
© thitruongbiz.vn