Các chuyên gia trẻ thuộc thế hệ Gen Z đang quay trở lại văn phòng nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác, theo một nghiên cứu mới đây của công ty bất động sản JLL. Điều này đi ngược lại với định kiến phổ biến rằng họ lười biếng hay trốn tránh công việc trực tiếp.
Nhiều người thuộc Gen Z (sinh ra trong giai đoạn từ 1997 đến 2012) đã bắt đầu sự nghiệp trong thời kỳ đại dịch. Khi làm việc từ xa và mô hình hybrid trở thành tiêu chuẩn mới, họ bị xem như “vật tế ” cho những văn phòng trống vắng và bị chỉ trích vì thiếu chuyên nghiệp.
CEO JPMorgan, ông Jamie Dimon, từng than phiền rằng ông làm việc 7 ngày một tuần trong khi “đám Zoomer” (ám chỉ Gen Z) thì không chịu đến văn phòng. Tại Anh, doanh nhân kỳ cựu Lord Alan Sugar, 78 tuổi, cũng kêu gọi giới trẻ quay lại văn phòng thay vì “chỉ ngồi nhà”.
Tuy nhiên, nghiên cứu toàn cầu với 12.000 nhân viên của JLL lại cho thấy, người lao động dưới 24 tuổi đang đến văn phòng trung bình 3 ngày mỗi tuần - nhiều hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Thêm vào đó, theo khảo sát của công ty tổ chức sự kiện Freeman với gần 2.000 người Mỹ, 91% Gen Z muốn cân bằng giữa giao tiếp trực tiếp và giao tiếp ảo để phát triển chuyên môn.
Dù yêu thích sự linh hoạt của làm việc từ xa, nhiều người trẻ vẫn coi văn phòng là “bệ phóng cho sự nghiệp”, theo Dan Schawbel, đối tác quản lý tại Workplace Intelligence.
Do thiếu kinh nghiệm, nhiều người thuộc thế hệ Gen Z từng vấp phải những lỗi công sở cơ bản như ăn mặc không phù hợp hay sử dụng tiếng lóng mạng xã hội trong môi trường làm việc. Chính vì vậy, văn phòng đã trở thành môi trường quan trọng giúp họ tiếp cận và làm quen với các chuẩn mực chuyên nghiệp, từ kỹ năng giao tiếp đến văn hóa ứng xử và trang phục nơi công sở.
Sophia Thibault, một chuyên gia về xây dựng lòng tin, cho biết với CNBC thời điểm đại dịch bùng phát đã khiến những năm đầu đại học của cô trở nên khó khăn trong việc rèn luyện kỹ năng xã hội. Khi bắt đầu công việc đầu tiên tại một công ty luật với yêu cầu làm việc trực tiếp 5 ngày mỗi tuần, cô coi đó là cơ hội quý giá để thích nghi và trưởng thành trong môi trường chuyên nghiệp. Việc có mặt tại văn phòng toàn thời gian đã giúp cô học hỏi rất nhiều điều, từ thuật ngữ chuyên môn đến cách ăn mặc, những điều mà theo cô, khó có thể lĩnh hội nếu chỉ làm việc sau màn hình máy tính.
Tương tự, Max Ranzato – một luật sư trẻ tại New York – từng nhận thấy rằng việc chuyển từ làm tại văn phòng sang làm từ xa trong giai đoạn đầu sự nghiệp khiến quá trình học hỏi của anh bị gián đoạn. Không còn sự hướng dẫn trực tiếp từ người quản lý, anh cảm thấy cô lập và đơn độc. Đối với anh, làm việc từ xa đồng nghĩa với những ngày chỉ biết gọi điện thoại mà không có sự tương tác xã hội nào đáng kể.
Với nhiều người thuộc thế hệ Gen Z, việc đến văn phòng không đơn thuần là nghĩa vụ công việc mà còn là chiến lược để xây dựng sự nghiệp lâu dài.
Max Ranzato là một ví dụ điển hình. Dù phải mất 90 phút mỗi ngày để di chuyển từ Queens đến văn phòng luật tại New Jersey, anh vẫn xem đây là khoản đầu tư đáng giá, bởi được trực tiếp quan sát, học hỏi từ các đối tác cấp cao — những người mà anh kỳ vọng sẽ giúp định hình con đường trở thành một luật sư giỏi.
Ranzato cho rằng, chỉ khi có mặt trong không gian làm việc chung, anh mới có thể phát triển kỹ năng, đặt ra những câu hỏi quan trọng và học từ chính phong cách giao tiếp của cấp trên. Những người bạn đồng trang lứa của anh, dù làm trong các lĩnh vực khác như kế toán hay kỹ thuật, cũng chia sẻ mong muốn được “lên tầm cao mới”, theo bước những người đi trước và được công nhận bởi các lãnh đạo.
Theo chuyên gia Dan Schawbel, môi trường văn phòng giúp tăng tốc độ phát triển sự nghiệp thông qua sự “hòa nhập trực tiếp” – điều rất khó để tái hiện nếu chỉ làm việc trực tuyến.
Sophia Thibault cũng từng chứng kiến điều này tại công ty cũ của cô, nơi nhóm nhân viên Gen Z luôn chủ động và được tín nhiệm cao trong công việc.
Trong khi đó, Molly Gilbride – một chuyên viên truyền thông – cho biết cô từng cảm thấy khó hiểu trước những chỉ trích dành cho Gen Z, bởi tại công ty cũ của cô, thế hệ này chính là nhóm có mặt tại văn phòng thường xuyên nhất. Theo cô, Gen Z không lười biếng, mà thực chất rất trân trọng sự linh hoạt và muốn có quyền tự quyết trong cách làm việc để đạt hiệu quả cao nhất.
Dù nhiều người trẻ thuộc Gen Z yêu thích môi trường văn phòng, họ vẫn đánh giá cao việc được làm việc từ xa 1–2 ngày mỗi tuần, như một cách để cân bằng và làm mới tuần làm việc. Điều này cho thấy mô hình truyền thống "9-to-5" đang dần dịch chuyển sang hướng linh hoạt hơn.
Chuyên gia Schawbel nhận định rằng xu hướng tương lai rõ ràng đang nghiêng về hình thức hybrid, nơi người lao động có thể kết hợp linh hoạt giữa làm việc tại văn phòng và từ xa để tận dụng tối đa lợi thế của cả hai mô hình.
Tại công ty hiện tại, Gilbride đã được hỗ trợ làm việc từ xa do lý do cá nhân. Tuy nhiên, cô vẫn mong muốn quay lại mô hình hybrid vì cảm thấy văn phòng mang lại sự phong phú và năng lượng tích cực cho tuần làm việc. Cô cho rằng, dù đang cần làm việc từ xa, mục tiêu của cô vẫn là được quay lại văn phòng vài ngày mỗi tuần vì cô yêu thích không khí nơi đó.
Ranzato cũng có cảm nhận tương tự. Anh đặc biệt trân trọng những ngày làm việc tại nhà vào thứ Sáu, khi có thể tranh thủ làm việc nhà, nấu ăn, hay gấp quần áo mà vẫn đảm bảo đủ giờ công theo yêu cầu. Với lịch trình có thể linh hoạt, anh cảm thấy kiểm soát tốt hơn cuộc sống cá nhân mà vẫn duy trì hiệu suất.
Với Gigi Robinson, một nhà sáng tạo nội dung 26 tuổi sống tại New York, mô hình hybrid không chỉ mang tính tiện lợi mà còn là vấn đề về khả năng tiếp cận. Mang trong mình nhiều bệnh mãn tính, cô thường phải dành thời gian cho các buổi điều trị trong tuần, nên hybrid và làm việc từ xa là giải pháp giúp cô cân bằng được sức khỏe và công việc.
Robinson cũng nhấn mạnh rằng các công cụ làm việc trực tuyến từng bị xem là “khó thực hiện” thì nay đã trở thành tiêu chuẩn, và điều đó đã mở ra nhiều cánh cửa cho những người như cô.
Trong khi đó, Thibault chia sẻ rằng không phải tất cả Gen Z làm việc từ xa đều thiếu nghiêm túc. Cô từng ngạc nhiên khi một đồng nghiệp lớn tuổi tiết lộ rằng ông ta làm việc cạnh hồ bơi tại nhà, điều mà cô cho rằng một người trẻ như cô sẽ không bao giờ dám công khai.
Theo Thibault, Gen Z đang rất nỗ lực để khẳng định bản thân trong lần đầu bước vào thị trường lao động. Họ quan tâm đến thu nhập, cơ hội thăng tiến và phản hồi từ cấp trên. Chính vì vậy, không chỉ tại văn phòng, mà ngay cả khi làm việc tại nhà, họ vẫn giữ vững tinh thần cầu tiến và chuyên nghiệp.
© thitruongbiz.vn