Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) của tỷ phú Trần Đình Long vừa công bố nghị quyết về thời gian và địa điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025.
Cụ thể, đại hội sẽ diễn ra vào sáng ngày 17/4 tại Hội trường Grand Ballroom, Khách sạn Melia Hanoi, địa chỉ 44B Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 17/3, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/3.
Hiện nội dung phiên họp và các vấn đề dự kiến trình cổ đông vẫn chưa được tập đoàn này công bố.
Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, theo công bố của ban tổ chức, tại ngày chốt danh sách tổ chức đại hội, Hoà Phát có 165.914 cổ đông. Chủ tịch Trần Đình Long khi đó cho biết tập đoàn có số cổ đông lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Con số ghi nhận tại đại hội năm 2023 là 179.108 cổ đông.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HPG còn được mệnh danh là “cổ phiếu quốc dân”.
Trong các năm trước, ĐHĐCĐ thường niên của Hòa Phát luôn thu hút đông đảo người tham gia, hội trường thậm chí không còn chỗ trống.
Trong năm 2024, Hòa Phát đạt 140.560 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.020 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2023 và vượt 20% kế hoạch năm.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Vietcap dự báo doanh thu năm 2025 của Hòa Phát sẽ tăng 15% so với năm 2024, đạt 160.318 tỷ đồng. Dự báo này dựa trên các yếu tố: Sản lượng bán thép xây dựng dự kiến tăng 10% nhờ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và sự khởi sắc của thị trường bất động sản, dù vẫn chịu áp lực từ giá thép toàn cầu. Giá bán thép xây dựng dự kiến tăng nhẹ 1%. Sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) dự kiến tăng mạnh 50% nhờ các dây chuyền sản xuất của nhà máy Dung Quất 1 hoạt động hết công suất và lò cao đầu tiên của nhà máy Dung Quất 2 đạt 60% hiệu suất trong năm đầu tiên. Giá bán HRC dự kiến giảm 6% do chính sách bảo hộ toàn cầu và xuất khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Hòa Phát sẽ ưu tiên tăng công suất thay vì giá bán.
Vietcap kỳ vọng biên lợi nhuận thép của Hòa Phát sẽ được cải thiện nhờ hiệu suất hoạt động của các nhà máy hiện hữu tăng và chi phí nguyên liệu đầu vào giảm, dự báo chi phí nguyên liệu giảm 4% nhờ nguồn cung quặng sắt và than cốc từ Úc và Brazil tăng. Tuy nhiên, Vietcap cũng lưu ý đến rủi ro từ chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mức thuế suất phổ quát 25% đối với thép nhập khẩu vào Mỹ có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh công bằng cho các nhà sản xuất thép Việt Nam, vì Việt Nam đã chịu mức thuế này từ năm 2018. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh về giá và khối lượng dự kiến sẽ gia tăng ở các thị trường ngoài Mỹ.
Dựa trên những phân tích này, Vietcap dự phóng doanh thu và lợi nhuận ròng của Hòa Phát trong các năm 2025, 2026 và 2027 lần lượt đạt 160.318 tỷ đồng (tăng 15%), 191.291 tỷ đồng (tăng 19%) và 210.663 tỷ đồng (tăng 10%); lợi nhuận ròng lần lượt đạt 15.047 tỷ đồng (tăng 25%), 18.311 tỷ đồng (tăng 22%) và 23.482 tỷ đồng (tăng 28%). Vietcap cho rằng với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, cổ phiếu HPG xứng đáng được định giá cao hơn.
Về dự án Dung Quất 2, Hòa Phát đã khánh thành lắp đặt dây chuyền sản xuất HRC vào ngày 30/12/2024. Lò cao đầu tiên dự kiến chạy thử vào quý 1/2025 và đi vào hoạt động thương mại, nâng công suất HRC hàng năm của Hòa Phát lên 5,6 triệu tấn. Giai đoạn 2 của dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, bổ sung thêm 2,8 triệu tấn, nâng tổng công suất lên 8,4 triệu tấn/năm. Vietcap cũng nhắc lại kinh nghiệm của Hòa Phát khi đưa nhà máy Dung Quất 1 vào hoạt động năm 2019. Khi đó, dù giá quặng sắt tăng mạnh, Hòa Phát vẫn duy trì giá bán ổn định, ưu tiên tăng thị phần và công suất. Kết quả là thị phần thép xây dựng của Hòa Phát đã tăng từ 24% năm 2018 lên 26% năm 2019, với sản lượng bán hàng tăng 17%, gấp 3 lần mức tăng trưởng trung bình của ngành.
Ngày 9/2 vừa qua, trong chương trình công tác tại Quảng Ngãi, Thủ tướng đã tới thăm, làm việc tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. Tỷ phú Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam, và đã xuất khẩu thép tới 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Với sự đầu tư lớn vào sản xuất, Tập đoàn đang hướng mạnh vào sản xuất các loại thép chất lượng cao góp phần thay thế hàng nhập khẩu. Hòa Phát cam kết tăng trưởng 15% mỗi năm, hưởng ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số của đất nước giai đoạn 2025-2030.
Hòa Phát đã đầu tư vào Quảng Ngãi 7 tỷ USD ở KKT Dung Quất. Trong đó trọng điểm là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với tổng vốn đầu tư hơn 171 nghìn tỷ đồng.
“Với năng lực hiện có, Tập đoàn đang hướng mạnh vào sản xuất các loại thép chất lượng cao góp phần thay thế hàng nhập khẩu. Hòa Phát tự tin đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Thủ tướng Chính phủ cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu ra thế giới”, Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh.
Lãnh đạo Tập đoàn cũng đề nghị Chính phủ cần có biện pháp bảo vệ chính đáng các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
“Những gì doanh nghiệp trong nước có thể làm được, chúng tôi mong nhà nước hãy giao cho doanh nghiệp làm. Có như thế mới nuôi dưỡng các doanh nghiệp lớn được”, ông Trần Đình Long kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác.
© thitruongbiz.vn