Kết thúc quý I/2025, Sabeco báo lãi sau thuế gần 800 tỷ đồng, giảm 22% so với mức lợi nhuận nghìn tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. So với các quý trước, doanh thu và lợi nhuận của Sabeco đã giảm về mức thấp nhất trong 3 năm, chỉ cao hơn quý III/2021 - giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 (doanh thu 4.282 tỷ đồng, lợi nhuận 472 tỷ đồng).
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với doanh thu thuần bán hàng đạt 5.811 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.
Mặc dù biên lợi nhuận gộp tăng từ 29,2% (trong quý I/2024) lên 32,2% (trong quý này) và chi phí bán hàng - khoản chi phí lớn nhất của Sabeco - cũng giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ, nhưng do doanh thu thuần giảm mạnh nên lợi nhuận trước thuế giảm 22% còn 1.022 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng giảm 20% còn 793 tỷ đồng. So với các quý trước, doanh thu và lợi nhuận của Sabeco đã giảm về mức thấp nhất trong 3 năm, chỉ cao hơn quý III/2021 - giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 (doanh thu 4.282 tỷ đồng, lợi nhuận 472 tỷ đồng).
Theo Sabeco, sự sụt giảm này phù hợp với xu hướng giảm sản lượng tiêu thụ do cạnh tranh gia tăng, tác động từ Nghị định 168 và ảnh hưởng của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây (Sabibeco, UPCoM: SBB). Từ ngày 3/1/2025, Sabibeco được hợp nhất thành công ty con của Sabeco thay vì giữ vai trò công ty liên kết như trước.
Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của Sabeco đạt hơn 1.872 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát tốt chi phí đầu vào, biên lợi nhuận gộp trong quý I tăng 3 điểm phần trăm, từ 29,2% (quý I/2024) lên 32,2%.
Hoạt động tài chính ghi nhận nhiều biến động: doanh thu tài chính giảm 13% còn 243 tỷ đồng do thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng giảm; đồng thời, chi phí tài chính tăng gấp 10 lần, từ 8,6 tỷ đồng lên 91 tỷ đồng. Theo Sabeco, chi phí tài chính tăng mạnh chủ yếu do phát sinh từ thương vụ M&A với Sabibeco.
Chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý I tăng 19%, lên 247 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng giảm 5%, còn gần 799 tỷ đồng.
Năm 2025, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu thuần 31.641 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với thực hiện năm 2024; lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 4.835 tỷ đồng, tăng 8%. Sau quý I, doanh nghiệp đã hoàn thành khoảng 18% kế hoạch doanh thu và 16,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đáng chú ý, dù sở hữu lượng tiền gửi ngân hàng rất lớn, Sabeco vẫn không tránh khỏi đà suy giảm lợi nhuận. Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng lượng tiền gửi ngân hàng của công ty lên tới hơn 24.849 tỷ đồng, cùng với 1.999 tỷ đồng tiền gửi vừa đáo hạn.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Sabeco đạt hơn 31.618 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền giảm 480 tỷ đồng, còn gần 4.000 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn duy trì trên 16.000 tỷ đồng, trong khi hàng tồn kho tăng 12%, lên hơn 2.215 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư tài chính dài hạn giảm hơn 1.600 tỷ đồng, còn 2.032 tỷ đồng, chủ yếu do giảm tiền gửi có kỳ hạn.
Ở bảng cân đối nguồn vốn, nợ phải trả giảm 33%, còn hơn 6.000 tỷ đồng, chủ yếu do giảm các khoản phải trả người bán và các khoản liên quan đến chi trả cổ tức. Nợ vay ngắn hạn tăng 96%, từ 245 tỷ đồng lên hơn 481 tỷ đồng; nợ vay dài hạn giữ ở mức hơn 169 tỷ đồng.
Sau thương vụ M&A và hợp nhất kết quả kinh doanh với Sabibeco, tình hình tài chính của Sabeco vẫn chưa thực sự khởi sắc. Được biết, doanh nghiệp đã chi khoảng 832 tỷ đồng để thâu tóm và nắm quyền chi phối Sabibeco.
Theo tiết lộ từ ban lãnh đạo Sabeco, Sabibeco hiện đang trong quá trình tái cơ cấu toàn diện, bao gồm việc thay đổi nhân sự cấp cao và đồng bộ mô hình quản trị, vận hành theo tiêu chuẩn của công ty mẹ. Dự kiến, quá trình sáp nhập và tái cấu trúc Sabibeco sẽ hoàn tất vào cuối năm 2025.
Phó Tổng giám đốc Sabeco, ông Koo Liang Kwee (Alan), cho biết Sabibeco hiện sở hữu 6 nhà máy tại các vị trí chiến lược với công suất bia lon lớn. Việc điều chỉnh định mức sản xuất theo chỉ tiêu của Sabeco sẽ giúp tối ưu chi phí và hướng tới mục tiêu lợi nhuận dương trong thời gian tới. Khi đạt được kết quả khả quan, Sabibeco có thể tiến hành chia cổ tức cho cổ đông.
“Khi Sabibeco từ công ty liên kết trở thành công ty con, biên lợi nhuận sẽ được cải thiện và bổ sung vào danh mục sản phẩm phân khúc bình dân của Sabeco”, ông Alan chia sẻ.
© thitruongbiz.vn