Giá dầu thô giảm trở lại trong phiên giao dịch hôm qua, trước lo ngại của thị trường về đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran và thời điểm nhạy cảm trước hội nghị tại Jackson Hole. Cụ thể, giá dầu WTI giảm mạnh 2,5% xuống 92,52 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 1,87% xuống 98,46 USD/thùng.
Giá WTI giảm mạnh 2,5% xuống 92,52 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 1,87% xuống 98,46 USD/thùng. |
Áp lực chốt lời tại vùng kháng cự mạnh đã khiến cho giá dầu chịu sức ép ngay từ phiên sáng. Sau khi thành công trong việc giữ đà tăng trong suốt 1 tuần, thị trường đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu của sức ép chốt lời. Một tuần chờ đợi các phát biểu mới xung quanh đàm phán Mỹ-Iran cũng khiến cho các nhà đầu tư trên thị trường càng thêm lo ngại, nhất là khi các bên đã có dấu hiệu nhượng bộ để thúc đẩy tạo lập thỏa thuận hạt nhân mới, và có thể khiến Iran tăng lượng dầu xuất khẩu ra thị trường.
Trong khi đó, thời điểm tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ đã đi qua mức đỉnh và nhu cầu tiêu thụ xăng suy yếu tại Mỹ trong các tuần gần đây cũng đang gây sức ép đến giá. Trong báo cáo tuần mới nhất của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu tiêu thụ xăng đã giảm gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp việc Mỹ vẫn còn đang chống dịch COVID-19 vào thời điểm tháng 8/2021.
Trong khi đó, quan chức của Cục Dự trữ liên bang (Fed) James Bullard cho biết ông cho rằng Fed nên nâng lãi suất lên mức 3,75%-4% đến cuối năm nay, thay vì mức 2,25%-2,5% như hiện tại. Theo ông, chỉ có mức lãi suất cao mới đủ để chống lạm phát.
Phát biểu của ông James Bullard ngay trước khi hội nghị kinh tế Jackson Hole diễn ra khiến cho thị trường lo ngại rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ đưa ra quan điểm mang tính thắt chặt trong ngày hôm nay. Hiện tại, theo dữ liệu của CME Watchtool, 60% các nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9.
Điều này sẽ khiến cho Fed nâng lãi suất 75 điểm phần trăm 3 lần liên tiếp, và là một trong các tiến trình tăng lãi suất nhanh nhất từ trước đến nay. Từ năm 1983 đến giờ, Fed đã tăng lãi suất thêm 86 lần, và trong đó có 75 lần tăng lãi suất dưới 50 điểm cơ bản.
Bảng giá nông sản. |
Giá nông sản liên tục biến động mạnh, doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước ở thế khó
Là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 2 và nhập khẩu ngô lớn thứ 6 toàn cầu, ngành chăn nuôi Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn do giá nông sản thế giới liên tục tăng trong giai đoạn vừa qua. Phiên điều chỉnh giảm hôm qua sẽ là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, theo MXV, đây có khả năng chỉ là nhịp điều chỉnh sau chuỗi tăng mạnh trước đó, và chưa thể khẳng định giá nông sản thế giới đã bước vào xu hướng giảm.
Giá ngô giao vào quý IV năm nay tại cảng Cái Lân đang giao dịch quanh mức 8.100-8.400 đồng/kg. Trong khi đó, giá khô đậu tương dao động ở gần ngưỡng 14.000 đồng/kg.
Đây vẫn là những mức giá rất cao, theo MXV, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ cần rất thận trọng trong việc chốt giá nhập khẩu, và điều này có thể sẽ khiến thị trường nội địa giao dịch ảm đạm hơn trong ít nhất vài tuần tiếp theo.
Ghi nhận trong sáng nay (26/08), trên thị trường nội địa, giá heo hơi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg ở các tỉnh thành phía Nam, trong khi giá tại miền Bắc và Miền Trung, Tây Nguyên đã chững lại. Nhìn chung, giá dao động trong khoảng 63.000 -70.000 đồng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg.
URL: https://thitruongbiz.vn/dau-tho-giam-manh-truoc-ap-luc-chot-loi-d7639.html
© thitruongbiz.vn