Đà Nẵng cần sớm ban hành Đề án Xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực, Đề án hình thành Khu Phi thuế quan; hình thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; sửa đổi Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Đà Nẵng.
Đây là ý kiến của ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 12 diễn ra sáng nay 12/7.
Trước đó, theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, giai đoạn 2022 – 2023 sẽ hoàn thiện Đề án trình Chính phủ phê duyệt; báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương, định hướng, trên cơ sở đó trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Giai đoạn 2023 – 2024, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phát triển Trung tâm tài chính (bao gồm lựa chọn nhà đầu tư, quy hoạch phân khu trung tâm tài chính, quy hoạch chi tiết…); đề xuất cơ chế thành lập Hội đồng phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam để thực hiện chức năng quản lý, giám sát.
Giai đoạn 2024 – 2030, Đà Nẵng phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính bao gồm hạ tầng cứng như văn phòng, khu phức hợp… và hạ tầng mềm như hạ tầng tài chính, công nghệ thông tin…; thu hút các định chế tài chính quốc tế và công ty công nghệ có ảnh hưởng trên thế giới, triển khai dần các hoạt động của một trung tâm tài chính offshore; phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và không gian hoạt động cho fintech; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý có liên quan. Giai đoạn sau 2030, chuyển đổi mô hình Trung tâm tài chính để cung cấp các dịch vụ tài chính trong nước và một số quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hướng đến trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực và trung tâm fintech của quốc gia vào năm 2045.
Bí thư Thành ủy cho rằng, việc cho phép phát triển mô hình trung tâm tài chính ở Việt Nam là một vấn đề rất mới, đặt ra những thách thức lớn cả về yêu cầu hoàn thiện thể chế, khung pháp lý và cả về mặt quản lý nhà nước để đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động an toàn và quản lý rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Thời gian tới, thành phố sẽ xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Đề án theo chỉ đạo của Chính phủ; đánh giá khả năng thu hút đầu tư khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng.
Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối trong nước, quốc tế và hạ tầng chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao.
Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng biển Tiên Sa, xây dựng Cảng biển Liên Chiểu và các hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, tạo sự năng động về kinh tế gắn với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc gia, quốc tế… “Để sớm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 26, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm, ủng hộ chủ trương và chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét các kiến nghị của thành phố Đà Nẵng về các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo cơ sở chính trị, pháp luật cho việc xây dựng và sớm hình thành các dịch vụ tài chính chất lượng cao tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng”, Bí thư Thành ủy đề xuất.
Đà Nẵng cần cớm ban hành Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính quy mô khu vực. Ảnh minh họa |
Ông Lương Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng, Đà Nẵng cần khẩn trương lập và phê duyệt toàn bộ quy hoạch các phân khu trong năm 2023, tạo điều kiện thúc đẩy xúc tiến đầu tư và triển khai dự án.
“Tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp. Rà soát, đánh giá tính hiệu quả và sớm đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo tính khả thi, dễ tiếp cận”, ông Triết khẳng định.
Thời gian qua, Đà Nẵng đang dần lấy lại vị thế du lịch nhờ vào Lễ hội pháo hoa Quốc tế.Sự kiện này tạo bước đà cho du lịch Đà Nẵng phát triển trong thời gian đến. Tuy nhiên, theo Phó Bí thư thường trực Đà Nẵng, du lịch Đà Nẵng cần tập trung thu hút khách đợt cao điểm hè; làm mới các sản phẩm hiện có, đầu tư các sản phẩm du lịch mới, đặc thù; tiếp tục triển khai chính sách, huy động nguồn lực để tổ chức các sự kiện thu hút khách, tập trung phân khúc khách có khả năng chi trả cao như Golf, nghỉ dưỡng, du lịch lễ cưới.
Bên cạnh đó, theo Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Thành phố cần rà soát, đánh giá, phân tích tổng thể tốc độ tăng trưởng GRDP Thành phố, tập trung vào các ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn và các ngành, lĩnh vực có sự giảm sút, xác định cụ thể các nguyên nhân gắn với các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu mức tăng trưởng GRDP cao nhất năm 2023, tạo tiền đề hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ Thành phố.
“Thành phố khẩn trương, tích cực phối hợp với bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố và triển khai Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong quý III/2023”, ông Triết nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng sớm ban hành Đề án Xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực, Đề án hình thành Khu Phi thuế quan; hình thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; sửa đổi Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11-2016 của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Đà Nẵng.
© thitruongbiz.vn