Trước ngày bầu cử ở Mỹ, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ứng viên Dân chủ Kamala Harris và ứng viên Cộng hòa Donald Trump đang gần như ngang ngửa. Cuộc đua càng sát sao, thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu đang ghi nhận những biến động khôn lường nhất.
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa giảm nhẹ sau một phiên giao dịch đầy biến động vào đầu tuần (4/11), khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho một tuần quan trọng với cuộc bầu cử tổng thống và thông báo chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (FED).
Hai ứng viên tổng thống, Donald Trump và Kamala Harris, đã nỗ lực để giành ưu thế trong ngày vận động cuối cùng trước bầu cử. Các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua đang rất sát sao, và kết quả có thể mất vài ngày để xác định.
Một số “giao dịch Trump” đã suy giảm sau khi một cuộc thăm dò mới cho thấy bà Harris, phó tổng thống Đảng Dân chủ, dẫn đầu tại Iowa, kéo theo sự sụt giảm của đồng USD, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, và bitcoin. Cổ phiếu của Trump Media & Technology Group (DJT.O) tăng 12,37% sau khi giảm gần 6% vào đầu phiên.
Với kết quả thăm dò từ Iowa, tỷ lệ cược của bà Harris trước cựu Tổng thống Trump đã tăng trên một số trang cá cược, điều mà nhiều nhà đầu tư theo dõi như một chỉ báo bầu cử.
Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng
tại CFRA Research, New York, nhận định, tất cả đang chờ đến thứ Năm để
biết kết quả và “tuần này sẽ rất biến động”: “Lợi
nhuận doanh nghiệp tốt, Fed vẫn có khả năng cắt giảm lãi suất, nhưng điều bất định
thực sự là bầu cử.”, ông cho biết.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones (.DJI) giảm 257,59 điểm, tương đương 0,61%, xuống còn 41.794,60 điểm; chỉ số S&P 500 (SPX) mất 16,11 điểm, tương đương 0,28%, xuống còn 5.712,69 điểm; và Nasdaq Composite (IXIC) giảm 59,93 điểm, tương đương 0,33%, xuống còn 18.179,98 điểm.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 6,4 điểm cơ bản, xuống mức 4,299% sau khi giảm tới 10 điểm vào đầu phiên. Biến động được dự báo sẽ tiếp tục cho đến khi cuộc bầu cử có kết quả rõ ràng và các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về chính sách chính phủ. Lợi suất này đã giảm trong năm tháng liên tiếp trước khi tăng mạnh khoảng 48 điểm cơ bản trong tháng Mười.
Chỉ số Russell 2000 (RUT) tăng 0,4% khi lợi suất giảm hỗ trợ cho cổ phiếu vốn hóa nhỏ, vốn được cho là sẽ hưởng lợi nhiều từ lãi suất thấp hơn.
Chỉ số biến động CBOE (VIX), còn được gọi là "Chỉ số sợ hãi" của Phố Wall, tăng lên 21,94 và duy trì trên mức trung bình dài hạn là 19,46, dao động gần mức cao nhất trong hai tháng là 23,42 được ghi nhận vào tuần trước.
Các nhà đầu tư đã dự báo gần như chắc chắn rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào thông báo chính sách vào thứ Năm, với công cụ FedWatch của CME cho thấy xác suất 98% cho kịch bản cắt giảm, chỉ còn 2% khả năng Fed giữ nguyên lãi suất.
Ngành năng lượng (SPNY) là nhóm tăng mạnh nhất trong 11 nhóm chính của S&P, tăng 1,87% khi giá dầu tăng sau khi OPEC+ quyết định hoãn kế hoạch tăng sản lượng. Cổ phiếu Nvidia (NVDA.O) tăng 0,48% sau khi S&P Dow Jones Indices thông báo công ty này sẽ thay thế Intel (INTC.O) trong chỉ số Dow Jones Industrial Average. Cổ phiếu Intel giảm 2,93%, gây áp lực lên Dow.
Marriott International (MAR.O) giảm 1,59% sau khi cắt giảm dự báo lợi nhuận năm 2024 do nhu cầu du lịch trong nước yếu ở Mỹ và Trung Quốc.
Constellation Energy (CEG.O) giảm mạnh nhất trong S&P 500, mất 12,46%. Hôm thứ Sáu, Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang đã bác bỏ thỏa thuận tăng công suất năng lượng cho một trung tâm dữ liệu của Amazon kết nối trực tiếp với nhà máy điện hạt nhân của Talen Energy ở Pennsylvania. Quyết định này ảnh hưởng đến lĩnh vực tiện ích (.SPLRCU), giảm 1,21%.
Trên sàn NYSE, số mã tăng giá vượt số mã giảm với tỷ lệ 1,37:1, trong khi trên sàn Nasdaq là 1,01:1.
S&P 500 ghi nhận 10 mức cao mới trong 52 tuần và 4 mức thấp mới, trong khi Nasdaq Composite có 66 mức cao mới và 128 mức thấp mới.
Khối lượng giao dịch trên các sàn của Mỹ đạt 11,31 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 11,71 tỷ của 20 phiên giao dịch gần đây nhất.
Nếu với các tổng thống khác, lời hứa giảm bớt quy định và cắt giảm thuế doanh nghiệp sẽ khiến Phố Wall háo hức chờ đợi cơ hội bùng nổ các thương vụ mua bán, thì với Donald Trump, điều này không hoàn toàn đúng.
Nguyên nhân là vì các giám đốc điều hành dự đoán rằng chính quyền Trump có thể kéo theo sự bất ổn chính sách, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ và áp lực lạm phát, làm giảm tốc độ hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Những điều này khiến một số người trong ngành tin rằng môi trường cho các thương vụ M&A có thể không khác biệt nhiều, dù người thắng cử là Trump hay đối thủ Kamala Harris của đảng Dân chủ.
Thay vào đó, các nhà giao dịch đang chờ đợi sự ổn định từ kết quả bầu cử, dự đoán rằng hoạt động M&A sẽ tăng tốc vào đầu năm sau. Scott Joachim, đồng trưởng bộ phận đầu tư tư nhân tại Paul Hastings, nhận định: “Trong các chu kỳ bầu cử, sự bất ổn thường là yếu tố chính. Một khi có tổng thống đắc cử rõ ràng, sự bất ổn sẽ được loại bỏ, và thị trường sẽ có thể dự đoán các chính sách tương lai rõ ràng hơn.”
Một số nhà đầu tư chỉ ra rằng chính quyền Trump cũng đã từng cản trở các thương vụ lớn. Ví dụ, năm 2017, Bộ Tư pháp Mỹ đã cố ngăn chặn thương vụ AT&T mua lại Time Warner. Năm 2018, Trump can thiệp thành công để ngăn Broadcom mua lại Qualcomm vì lý do an ninh quốc gia.
Một số giám đốc điều hành có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa nay đã thận trọng hơn. Một nguồn tin cho biết, những người này từng tin rằng thuế thấp và ít quy định sẽ có lợi cho doanh nghiệp, nhưng giờ đây họ nhận ra rằng tính dự đoán cũng có giá trị không nhỏ, dù khó có thể đo lường.
Tuy nhiên, các chuyên gia đầu tư và luật sư giao dịch nhận định rằng một số lời hứa của Trump có thể giúp giảm bớt các hạn chế mà họ gặp phải dưới thời chính quyền Biden. Biden đã thực hiện chính sách chống độc quyền nghiêm ngặt, gây khó khăn cho một số thương vụ đáng chú ý.
Giảm quy định thường được coi là một chủ đề có lợi khi đảng Cộng hòa thắng cử. Những đề xuất hiện tại của đảng Dân chủ về tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế lãi vốn sẽ không giúp ích cho hoạt động M&A.
Tuần trước, Trump nhận được sự ủng hộ từ Marc Rowan, CEO của Apollo Global Management, khi cho rằng chiến thắng của đảng Cộng hòa sẽ thúc đẩy hoạt động M&A và tự do hóa đầu tư.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư và luật sư cho rằng chiến thắng của Harris cũng sẽ không làm giảm tốc độ M&A, vì FED dự kiến sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường tài chính và thúc đẩy hoạt động giao dịch.
Eric Swedenburg, trưởng bộ phận M&A của Simpson Thacher, cho rằng: “Dù kết quả bầu cử thế nào, động lực chính cho các thương vụ vẫn là nhu cầu từ các công ty và các quỹ đầu tư tư nhân, những bên đang tìm cách giao dịch sau một thời gian thị trường M&A ảm đạm.”
Các nhà đầu tư đã rút vốn khỏi các quỹ cổ phiếu toàn cầu trong tuần kết thúc vào ngày 30/10, trong bối cảnh thận trọng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và chờ quyết định chính sách của FED. Tổng cộng, các nhà đầu tư đã rút ròng 2,65 tỷ USD khỏi các quỹ cổ phiếu toàn cầu trong tuần qua, đánh dấu tuần đầu tiên có dòng vốn rút ròng kể từ ngày 25/9.
Xét theo khu vực, các quỹ cổ phiếu Mỹ chứng kiến dòng vốn rút ròng 5,83 tỷ USD, đây là tuần có lượng vốn rút lớn nhất trong năm tuần qua. Các quỹ châu Âu cũng ghi nhận dòng vốn rút ròng 1,46 tỷ USD, trong khi các quỹ châu Á lại thu hút 4 tỷ USD dòng vốn mua ròng.
Trong số các quỹ theo ngành, các quỹ thuộc lĩnh vực công nghiệp, y tế, vàng và kim loại quý ghi nhận lần lượt dòng vốn rút ròng 552 triệu USD, 521 triệu USD và 434 triệu USD. Ngược lại, các quỹ tiêu dùng không thiết yếu và tiện ích lại có dòng vốn mua ròng lần lượt là 474 triệu USD và 363 triệu USD.
Thị trường chứng khoán Mỹ hiện đang ở trạng thái dễ bị tổn thương trong ngắn hạn. Một số nhà đầu tư cho rằng chiến thắng của Trump có thể mang lại lợi ích cho thị trường cổ phiếu nhờ kỳ vọng kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, tuy nhiên, mức định giá hiện nay cao hơn nhiều so với năm 2016, năm trước khi Trump nhậm chức lần đầu tiên.
Các nhà đầu tư tiếp tục đổ vốn vào các quỹ trái phiếu toàn cầu tuần thứ 45 liên tiếp, với tổng lượng mua ròng đạt 14,14 tỷ USD. Các quỹ trái phiếu trung hạn bằng đồng USD thu hút dòng vốn mua ròng 2,91 tỷ USD, ghi nhận tuần có vốn vào liên tục thứ bảy. Các quỹ trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp cũng thu hút dòng vốn mua ròng lần lượt là 2,76 tỷ USD và 2,39 tỷ USD.
Trong khi đó, các quỹ thị trường tiền tệ toàn cầu ghi nhận dòng vốn rút ròng 11,73 tỷ USD, một phần đảo ngược 26,22 tỷ USD dòng vốn vào của tuần trước.
Trong phân khúc hàng hóa, các quỹ đầu tư vàng và kim loại quý vẫn được ưa chuộng tuần thứ 12 liên tiếp, với lượng mua ròng đạt 213 triệu USD trong tuần. Các quỹ năng lượng cũng ghi nhận dòng vốn vào ròng 123 triệu USD.
Dữ liệu bao gồm 29.670 quỹ tại thị trường mới nổi cho thấy các quỹ cổ phiếu ghi nhận dòng vốn rút ròng 1,82 tỷ USD sau năm tuần có dòng vốn vào liên tục. Nhà đầu tư cũng rút ròng 802 triệu USD khỏi các quỹ trái phiếu tại thị trường mới nổi.
Donald Trump đang là ứng viên sáng giá để đánh bại Kamala Harris, ít nhất nếu xét theo các thị trường dự đoán – một lĩnh vực mới nổi cho các nhà đầu tư tiền mã hoá.
Ngay trước thềm bầu cử Mỹ, hàng tỷ đô la tiền mã hóa đã đổ vào các vụ đặt cược trên các nền tảng như Polymarket và Kalshi. Tính đến thứ Hai, Polymarket và Kalshi lần lượt cho Trump tỷ lệ thắng khoảng 57% - 43% và 51% - 49%, trái ngược với các cuộc thăm dò ý kiến vẫn cho thấy hai ứng viên gần như ngang ngửa.
Polymarket, nền tảng sôi động nhất trong số này, đã ghi nhận khoảng 3,1 tỷ USD khối lượng giao dịch trong các vụ đặt cược ai sẽ là tổng thống tiếp theo. Kalshi, nền tảng duy nhất được CFTC (Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ) quản lý, cũng đã thu về gần 197 triệu USD từ hợp đồng đặt cược kết quả bầu cử và 33,8 triệu USD từ hợp đồng về biên độ phiếu đại cử tri.
Elon Musk đã nhận định rằng các thị trường dự đoán có thể chính xác hơn các cuộc thăm dò vì có tiền thực sự đặt vào, và nhiều trang tin lớn cũng trích dẫn tỷ lệ của các thị trường này. Tuy nhiên, không ít người vẫn nghi ngờ.
Các nhà quan sát vẫn chia rẽ về việc liệu
những thị trường này có phải là một chỉ báo dẫn đầu đáng tin cậy, hay chỉ đơn
thuần phản ánh quan điểm của một cộng đồng nhỏ của những
người đam mê tiền mã hóa.
Người dân bình thường không dành thời gian hay tiền bạc cho các thị trường dự đoán. Những nền tảng này chủ yếu do người dùng tiền mã hóa chi phối, và những người này lại đang đặt cược cho Trump.
Giá cược trên các trang này phản ánh xác suất ước tính của kết quả. Chẳng hạn, trên Polymarket, cược cho Trump có giá khoảng 0,58 USD, trong khi cược cho Harris là 0,42 USD. Người thắng cuộc sẽ nhận được 1 USD mỗi hợp đồng.
Đại diện của Kalshi cho biết tất cả người chơi đều được xác minh, và giao dịch được giới hạn ở mức 7 triệu USD cho các cá nhân và 100 triệu USD cho các tổ chức hợp lệ. Trong khi đó, sàn giao dịch tiền mã hóa dYdX cho phép đặt cược phức tạp hơn qua các hợp đồng tương lai liên tục gắn với tỷ lệ cược của Polymarket.
Adam McCarthy, nhà phân tích tại Kaiko, cho biết rằng con số tổng cộng 2 tỷ USD giao dịch của Polymarket không phản ánh hoàn toàn số tiền đang đặt cược, vì bao gồm cả các giao dịch không còn hiệu lực của các ứng viên đã rút như Nikki Haley và RFK Jr.
Giao dịch liên quan đến cược cho Trump hoặc Harris chiếm khoảng 1,97 tỷ USD trong tổng khối lượng 3,1 tỷ USD của hợp đồng Polymarket về tổng thống Mỹ, theo dữ liệu của nền tảng.
Polymarket tiết lộ rằng một người Pháp đã đặt cược lớn cho Trump. Do các quy định, công dân Mỹ không được phép giao dịch trên nền tảng này.
Cá cược bầu cử Mỹ đã vượt xa mọi kỷ lục trước đây trên các nền tảng mới này, vốn cung cấp hàng loạt lựa chọn cược từ kết quả cuộc họp Fed sắp tới đến việc Taylor Swift có ra album mới hay ai sẽ là James Bond tiếp theo. Tháng 10, Polymarket đạt khối lượng giao dịch 1,1 tỷ USD, con số lớn nhất từ trước đến nay, so với khoảng 200.000 USD cho đến nay trong tháng 11.
McCarthy của Kaiko cho biết vẫn chưa chắc chắn về tương lai của các nền tảng này sau ngày 5/11: “Đây sẽ là thử thách lớn xem liệu họ có thể duy trì sự hấp dẫn sau cuộc bầu cử hay không.”
© thitruongbiz.vn