Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) vừa đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 1/4 - 29/4/2022. Nếu giao dịch thành công, SIC sẽ nâng sở hữu tại VNM lên 1,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,53%).
Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) vừa đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 1/4 - 29/4/2022. Nếu giao dịch thành công, SIC sẽ nâng sở hữu tại VNM lên 1,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,53%).
Động thái đăng ký mua vào của SIC diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu VNM vừa có dấu hiệu hồi phục tích cực sau chuỗi thời gian miệt mài dò đáy khi giảm hơn 11% so với hồi tháng 1/2022. Theo đà lao dốc, vốn hóa thị trường hiện tại của VNM lùi xuống còn xấp xỉ 158.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Theo công bố từ Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM HoSE), năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất lần đầu vượt mốc 60.000 tỷ đồng, cụ thể đạt 61.012 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 98,2% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 10.633 tỷ đồng, giảm hơn 5,3% so với năm 2020 và đạt 94,6% mục tiêu năm.
Về cơ cấu doanh thu, doanh thu thuần nội địa đạt 51.202 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ, xuất khẩu trực tiếp đạt 6.128 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ và doanh thu thuần các chi nhánh nước ngoài đạt 3.589 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm 4,4% với cùng lý do như giai đoạn trước. Từ khi vượt mốc 10.000 tỷ đồng lãi trước thuế vào năm 2016, Vinamilk không giữ được phong độ tăng trưởng tốt như giai đoạn trước. Năm 2018, lợi nhuận doanh nghiệp giảm nhưng ở mức nhẹ gần 1,5% chủ yếu do giá vốn tăng nhanh. Trong hai năm tiếp theo, kết quả kinh doanh của Vinamilk tăng chậm rãi.
Năm 2022, Vinamilk dự kiến đạt tổng doanh thu hơn 64.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong khi chỉ tiêu doanh thu tăng gần 5% so với năm ngoái, lợi nhuận lại được dự đoán đi lùi hơn 7%. Nếu không vượt kế hoạch đề ra, năm nay sẽ là lần thứ hai liên tiếp lợi nhuận Vinamilk tăng trưởng âm.
Báo cáo thường niên của doanh nghiệp chỉ ra, Vinamilk phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức liên quan tới tình trạng khan hiếm nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, giá cả hàng hóa thức ăn chăn nuôi leo thang, giá cước vận tải tăng cao...
Về tổng thể, giá thức ăn chăn nuôi tăng 30-40% trong năm ngoái và chưa có dấu hiệu giảm trong năm 2022. Giá nhập khẩu tăng kéo theo trong nước tăng, trong đó nguồn thức ăn thô xanh phải cạnh tranh quyết liệt về giá và nguồn cung. Ngoài ra, cước phí vận chuyển trong nước tăng khoảng 20%, quốc tế tăng khoảng 500% đã góp phần đẩy chi phí sản xuất sữa tươi nguyên liệu tăng cao.
Hoạt động thu mua sữa tươi nguyên liệu của Vinamilk từ hộ chăn nuôi ở một số địa phương gặp khó khăn do giãn cách xã hội kéo dài. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, một số loại không có nguồn cung nên khẩu phần ăn của bò thay đổi làm ảnh hưởng nhiều đến chăn nuôi nông hộ, dẫn tới nhiều hộ nông dân buộc phải dịch chuyển ngành nghề.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, trong 2-3 năm tới, VNM không còn nhiều dư địa tăng trưởng, mặc dù công ty đã tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Chiến lược mới như mở rộng sang các mảng khác kỳ vọng đến năm 2023-2024 mới có thể đóng góp nhiều cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Sản xuất thịt bò được VCBS xem là mảng tiềm năng nhất để tăng trưởng cho Vinamilk từ năm 2023-2024. Mảng kinh doanh mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng hai con số sau khi hoạt động chính thức. Doanh thu từ thịt bò trong năm đầu tiên hoạt động có thể đạt 2.000 tỷ đồng. Trước mắt trong năm nay, Vinamlik sẽ thịt bò nhập khẩu từ Nhật Bản để bán.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 30/3, cổ phiếu VNM tăng gần 1% lên 76.200 đồng/cp.
© thitruongbiz.vn