Chứng khoán Tiên Phong (ORS) giảm hết biên độ 7% với hơn 3,2 triệu cổ phiếu dư bán sàn. Cổ phiếu của TPBank (TPB) Ngân hàng TMCP Tiên Phong may mắn không giảm sàn nhưng ghi nhận mức giảm mạnh 5,3%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/3, VN-Index giảm 0,7 điểm, xuống còn 1.323,93 điểm, với thanh khoản đạt hơn 19.674 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ số VN30 ghi nhận diễn biến tích cực hơn khi tăng 1,32 điểm, chốt phiên tại mức 1.378,95 điểm. Áp lực bán ròng của khối ngoại, cộng với biến động tiêu cực từ TPB và ORS là nguyên nhân khiến cho chỉ số tiếp tục mất điểm trong phiên hôm nay.
Theo đó, Chứng khoán Tiên Phong (ORS) giảm hết biên độ 7% với hơn 3,2 triệu cổ phiếu dư bán sàn. Cổ phiếu của TPBank (TPB) Ngân hàng TMCP Tiên Phong may mắn không giảm sàn nhưng ghi nhận mức giảm mạnh 5,3%.
Cổ phiếu ORS giảm trong bối cảnh nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán - trong đó có ORS, có triển vọng khá tươi sáng trong năm 2025 khi thị trường chứng khoán sôi động từ đầu năm và có xu hướng hút dòng tiền, khi nền kinh tế được đặt mục tiêu tăng trưởng cao 8%.Trong năm 2024, ORS báo lãi 481 tỷ đồng, tăng 70% so với năm trước, vượt xa kế hoạch.
Trong sáng nay, trên các diễn đàn chứng khoán xuất hiện thông hàng loạt mã cổ phiếu có liên quan đến các khoản nợ của BCG. Trong đó, có TPB (chủ nợ) và ORS (tư vấn phát hành trái phiếu).
Trước đó, hồi đầu tháng 3, khi thông tin ông Nguyễn Hồ Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT BCG, bị truy tố, cả TPB và ORS đều bị bán tháo và giảm mạnh. Tuy nhiên, phiên hôm nay, áp lực bán dữ dội hơn rất nhiều. Theo thống kê, phiên hôm nay TPB có gần 81 triệu cổ phiếu khớp lệnh, còn ORS có hơn 24,6 triệu cổ phiếu được “sang tay”.
Đáng chú ý, cả nhà đầu tư ngoại cũng "tháo chạy" khỏi TPB với giá trị bán ròng là 172 tỷ đồng. Trong khi đó, mã dẫn đầu về giá trị bán ròng của khối ngoại tiếp tục là cái tên quen thuộc FPT (-279 tỷ đồng). Tính chung, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.410 tỷ đồng trên sàn HoSE ngày hôm nay.
Áp lực bán ròng của khối ngoại, cộng với biến động tiêu cực từ TPB và ORS là nguyên nhân khiến cho chỉ số tiếp tục mất điểm trong phiên hôm nay.
Nhịp giảm mạnh đã khiến vốn hóa thị trường của TPBank “bốc hơi” hơn 2.200 tỷ đồng. So với vùng đỉnh tháng 10/2024, thời điểm cổ phiếu TPB đạt mức 18.000 đồng/cp, giá trị thị trường của nhà băng này đã giảm hơn 16%.
Diễn biến tiêu cực của cổ phiếu TPB diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ đẩy mạnh bán ròng. Phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại đã bán hơn 11,2 triệu cổ phiếu TPB, tương ứng giá trị đạt 173 tỷ đồng, tạo áp lực đáng kể lên thị giá.
Cổ phiếu TPB giảm sâu cũng ảnh hưởng đáng kể đến tài sản của gia đình ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank.
Tại TPBank, ông Đỗ Minh Phú không trực tiếp sở hữu cổ phiếu nhưng hai người con của ông là bà Đỗ Vũ Phương Anh và ông Đỗ Minh Đức – mỗi người đang sở hữu hơn 29,38 triệu cổ phiếu TPB.
Tập đoàn DOJI, doanh nghiệp có liên quan đến ông Phú, cũng nắm hơn 156,7 triệu cổ phiếu TPB. Tính theo thị giá hiện tại, số cổ phiếu này có giá trị khoảng 2.390 tỷ đồng.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Anh Tú, em trai ông Đỗ Minh Phú, cũng sở hữu hơn 97,94 triệu cổ phiếu TPB, tương đương gần 1.500 tỷ đồng theo giá hiện tại. Trong khi đó, vợ ông Tú – bà Trung Thị Lâm Ngọc – đang nắm giữ hơn 2,35 triệu cổ phiếu TPB, với tổng giá trị khoảng 36 tỷ đồng.
Biến động mạnh của cổ phiếu TPB diễn ra sát thời điểm ngân hàng chuẩn bị họp ĐHĐCĐ. Theo đó, TPBank dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 vào ngày 24/4, ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách cổ đông tham dự đại hội là ngày 21/3/2025.
Tại đại hội, TPBank sẽ trình bày báo cáo hoạt động năm 2024, kế hoạch kinh doanh năm 2025 của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát và Ban điều hành. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán, đề xuất phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 cùng các nội dung quan trọng khác liên quan đến chiến lược hoạt động trong thời gian tới.
ORS từng có tên là Chứng khoán Phương Đông, đến tháng 4/2019 được đổi tên thành Chứng khoán Tiên Phong (tên giao dịch là TP Securities - TPS) sau khi phát hành riêng lẻ tăng vốn từ 240 tỷ lên 400 tỷ bằng cách phát hành 16 triệu cổ phiếu cho 2 cá nhân. Ông Đỗ Anh Tú sau đó vào HĐQT ORS.
Ông Đỗ Anh Tú hiện vẫn là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong, nắm giữ khoảng 3,7% cổ phần TPBank. Hai người con của ông Tú nắm khoảng 6,4% cổ phần TPB.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, cổ phiếu TPB đang phát đi tín hiệu tiêu cực khi đánh mất vùng hỗ trợ quan trọng tại 15.500 đồng/cp. Với xu hướng hiện tại, cổ phiếu này có thể tiếp tục điều chỉnh sâu hơn, về vùng 13.500 - 14.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh định giá, TPB hiện đang ở vùng hấp dẫn với tiềm năng sinh lời đáng kể. Theo báo cáo phát hành hồi đầu tháng 2, MBS Research nhận định năm 2025 sẽ là một năm đầy triển vọng với TPBank. Đơn vị này dự báo tỷ lệ nợ xấu của TPB sẽ giảm xuống 1,44% vào năm 2025, thấp hơn 7 điểm cơ bản so với cùng kỳ, nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Về định giá, MBS Research xác định giá trị hợp lý của TPB ở mức 20.600 đồng/cp, cao hơn khoảng 20% so với giá đóng cửa phiên 20/3. Tương tự, SSI Research cũng đưa ra cái nhìn tích cực khi định giá cổ phiếu TPB ở mức 19.800 đồng/cp, không chênh lệch quá nhiều so với dự báo của MBS.
URL: https://thitruongbiz.vn/co-phieu-lien-quan-chu-tich-tpbank-do-minh-phu-bi-ban-thao-d27722.html
© thitruongbiz.vn