Thị trường chứng khoán Mỹ đã có phiên chao đảo trong ngày thứ Năm (3/4), với các chỉ số chính mất từ 4% đến 6% sau khi đón nhận mức thuế quan từ Mỹ đối với các đối tác thương mại.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ ghi nhận mức giảm phần trăm một ngày lớn nhất trong nhiều năm vào 3/4 khi các mức thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại và suy thoái kinh tế toàn cầu…
Kết phiên 3/4, chỉ số Dow Jones giảm 1.682,61 điểm (-3,98%) xuống 40.542,71 điểm, S&P 500 mất 275,05 điểm (-4,85%) thành 5.395,92 điểm, và Nasdaq Composite lao dốc 1.053,60 điểm (-5,99%) còn 16.547,45 điểm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ hứng chịu làn sóng bán tháo lớn. Cổ phiếu Apple gần “rơi tự do” vì mức thuế khổng lồ áp lên hàng hóa Trung Quốc, nơi sản xuất chính của iPhone. Nvidia và Amazon cũng bị tổn thất lớn.
Ngành bán lẻ cũng bị áp lực, với Nike và Ralph Lauren giảm mạnh do hàng loạt mức thuế mới đánh vào các trung tâm sản xuất chính như Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc. Nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu là điểm sáng hiếm hoi, nhờ tính phòng thủ của ngành và nhờ cổ phiếu Lamb Weston tăng cao sau báo cáo lợi nhuận tích cực.
Các ngân hàng lớn như Citigroup, Bank of America và JPMorgan Chase không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực do lo ngại rủi ro kinh tế.
Tương tự, Exxon Mobil và Chevron giảm mạnh khi giá dầu thô lao dốc 6,8% do tác động từ thuế quan và OPEC+ đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng.
Chỉ số Russell 2000, theo dõi các doanh nghiệp nhỏ, lao đao; phản ánh mối lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế nội địa.
"Các công ty vốn hóa nhỏ thường là nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn, vì vậy khi các công ty lớn gặp khó do thuế quan, họ cũng sẽ gây áp lực lớn lên các nhà cung ứng nhỏ”, ông Steven DeSanctis, chiến lược gia về cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tại Jefferies Financial Group.
Các nhà đầu tư đã ồ ạt rời khỏi nhóm tài sản rủi ro để tìm đến sự an toàn của trái phiếu chính phủ sau khi chính quyền Donald Trump tuyên bố áp thuế lên hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Những mức thuế này, có khả năng làm gián đoạn trật tự thương mại toàn cầu, đánh dấu sự thay đổi rõ rệt so với vài tháng trước khi kỳ vọng về những chính sách thân thiện với doanh nghiệp từng giúp chứng khoán Mỹ lập kỷ lục.
Thị trường còn bày tỏ quan ngại về cách các quốc gia khác sẽ phản ứng với loạt biện pháp thuế quan mới nhất. Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa, trong khi Liên minh châu Âu cũng có động thái tương tự khi đối mặt với mức thuế 20%. Hàn Quốc, Mexico, Ấn Độ và một số đối tác thương mại khác tạm thời chờ đợi để thương thuyết trước khi mức thuế có hiệu lực vào ngày 9/4.
Những ngày tới dự kiến sẽ đầy biến động khi thị trường dõi theo diễn biến và tác động kinh tế từ các biện pháp thuế quan của ông Donald Trump. Chỉ số biến động CBOE, còn gọi là "thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall", chạm mức cao nhất trong ba tuần.
"Vẫn còn nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời”, ông Steven DeSanctis của Jefferies Financial Group nhận xét.
Theo đài CNBC, khi được hỏi hôm 3/4 về sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, ông Donald Trump chỉ ra rằng đây là phản ứng tạm thời đối với thuế quan.
Ông Donald Trump nói: "Tôi nghĩ mọi thứ đang diễn ra rất tốt. Nó giống như một ca phẫu thuật, như khi một bệnh nhân được mổ và đó là chuyện lớn. Tôi đã nói rằng mọi việc sẽ đúng như thế này… Thị trường sẽ bùng nổ. Cổ phiếu sẽ tăng vọt. Đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ. Phần còn lại của thế giới đang muốn xem liệu họ có thể thỏa thuận gì được không".
Theo bà Mary Ann Bartels, chiến lược gia trưởng tại Sanctuary Wealth: "Đây là kịch bản tồi tệ nhất đối với chính sách thuế và nó chưa được định giá vào thị trường, dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của thị trường. Câu hỏi lớn lúc này là liệu S&P 500 có thể giữ mốc 5.500 điểm hay không. Nếu không giữ được, chúng ta có thể thấy thị trường giảm thêm 5-10%, về vùng 5.200-5.400 điểm".
Những ngày tới dự kiến sẽ rất biến động khi các sự kiện diễn ra và toàn bộ tác động của các hành động kinh tế của ông Donald Trump bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung.
Các nhà giao dịch đang tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm nay, bắt đầu bằng lần cắt giảm 0,25 điểm% vào tháng 6. Ông George Bory, chiến lược gia trưởng tại công ty quản lý tài sản Allspring Global Investments, nhận định: "Cục Dự trữ Liên bang (FED) có rất nhiều khả năng để hỗ trợ thị trường".
© thitruongbiz.vn