Chứng khoán châu Á giảm vào thứ Sáu, kết thúc tuần một cách ảm đạm trong bối cảnh lo ngại địa chính trị gia tăng và những bất an về các mức thuế mới của Mỹ có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, khiến nhà đầu tư giảm khẩu vị rủi ro và đổ xô tìm đến vàng – tài sản trú ẩn an toàn – đẩy giá vàng duy trì gần mức cao kỷ lục.
Tâm lý ảm đạm dự kiến sẽ lan sang thị trường chứng khoán châu Âu, khi hợp đồng tương lai chỉ số STOXX 50 toàn châu Âu và chỉ số DAX của Đức đều giảm 0,5%, trong khi hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq tại Mỹ cũng nhích xuống nhẹ.
Trong tuần này, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đều giữ giọng điệu thận trọng trong các cuộc họp ngân hàng trung ương, khi bất ổn kinh tế và chính trị thế giới gia tăng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương Anh đều quyết định giữ nguyên lãi suất.
Các ngân hàng trung ương nhấn mạnh triển vọng không chắc chắn, phần lớn do căng thẳng thương mại gia tăng từ kế hoạch áp thuế đối ứng mới của Tổng thống Donald Trump, dự kiến có hiệu lực từ ngày 2/4, đẩy thị trường vào một làn sóng bất ổn mới.
Bên cạnh đó, các sự kiện gia tăng căng thẳng địa chính trị tại Nga - Ukraine và dải Gaza khiến nhà đầu tư tiếp tục tìm đến tài sản trú ẩn an toàn.
Với khả năng cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn vẫn còn xa, thị trường đang chuyển trọng tâm trở lại các lo ngại về tăng trưởng và rủi ro thuế quan – những yếu tố sẽ tiếp tục làm gia tăng biến động.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 0,9%, với các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Indonesia giảm mạnh.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 2%, hướng đến tuần giảm thứ hai liên tiếp sau đợt tăng mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ và việc chỉ số đạt đỉnh ba năm hôm thứ Ba. Dù vậy, chỉ số này vẫn tăng 18% từ đầu năm đến nay – là thị trường chứng khoán có hiệu suất tốt nhất thế giới.
Tại Nhật Bản, chỉ số Topix chạm mức cao nhất trong tám tháng, dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi dữ liệu lạm phát mạnh hơn dự kiến làm dấy lên kỳ vọng về các đợt tăng lãi suất tiếp theo của BOJ.
Giới đầu tư giờ sẽ dõi theo chi tiết kế hoạch áp thuế của chính quyền Trump vào ngày 2/4, trong bối cảnh thị trường ngày càng lo ngại việc áp thuế ăn miếng trả miếng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Ông George Boubouras – Giám đốc nghiên cứu tại K2 Asset Management – nhận định sự bất ổn ngày càng tăng khiến thị trường biến động nhiều hơn.
Sự thay đổi kỳ vọng trong tương lai đang dẫn đến những đợt biến động mạnh,
Sự bất ổn gia tăng cùng với lập trường “không vội” cắt giảm lãi suất của Fed đã hỗ trợ cho đồng USD. Chỉ số USD Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ sáu đồng tiền chủ chốt giữ ổn định ở mức 104,09 sau khi tăng 0,36% vào thứ Năm.
Trước đó, chỉ số này đã rơi xuống mức thấp nhất trong năm tháng khi kỳ vọng về các chính sách hỗ trợ tăng trưởng của Trump dần nhường chỗ cho lo ngại rằng cuộc chiến thương mại toàn cầu ông khơi mào có thể khiến Mỹ suy thoái.
Đồng yên Nhật giảm trong ngày, giao dịch quanh mức 149,50 yên/USD. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, đồng yên vẫn tăng 5% nhờ kỳ vọng BOJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2025.
Dữ liệu mới cho thấy lạm phát lõi của Nhật đạt 3,0% trong tháng 2. Chỉ số loại trừ ảnh hưởng từ nhiên liệu tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần một năm, cho thấy áp lực giá lan rộng – củng cố thêm kỳ vọng về các đợt tăng lãi suất tiếp theo.
Dù Thống đốc BOJ Ueda nhấn mạnh rủi ro từ chính sách thương mại của Mỹ hôm thứ Tư, chúng tôi cho rằng ông đang cẩn trọng phòng ngừa rủi ro hơn là thay đổi kế hoạch tăng lãi suất
Trong mảng hàng hóa, giá dầu tăng vào thứ Sáu, hướng đến tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 1.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 0,36%, còn hợp đồng dầu WTI của Mỹ tăng 0,4%. Cả hai đều đang hướng đến mức tăng 2% trong tuần.
Giá vàng giảm nhẹ 0,46% xuống còn 3.030 USD/ounce do nhà đầu tư chốt lời sau khi vàng chạm mức cao kỷ lục phiên trước đó. Tuy nhiên, vàng vẫn đang hướng đến tuần tăng thứ ba liên tiếp nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn tăng cao.
© thitruongbiz.vn