Theo báo cáo tài chính quý II/2025, CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC - Mã chứng khoán VEF) ghi nhận doanh thu thuần 4,8 tỷ đồng, gấp gần 20 lần cùng kỳ năm ngoái, hầu hết đều đến từ mảng hoạt động hội chợ, triển lãm.
Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC, mã VEF) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với doanh thu thuần gần 4,9 tỷ đồng, gấp gần 20 lần cùng kỳ năm 2024. Doanh thu này phần lớn đều đến từ mảng hoạt động hội chợ, triển lãm.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty đạt gần 581 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Khoản thu nhập này chủ yếu đến từ lãi của hoạt động cho vay, đầu tư.
Khấu trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế 349 tỷ đồng trong quý II, tăng 220% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, trong quý I, VEFAC ghi nhận doanh thu cao kỷ lục, đạt 44.560 tỷ đồng, nhờ vào việc chuyển nhượng một phần dự án Vinhomes Cổ Loa (tên thương mại Vinhomes Global Gate). Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng đạt 14.873 tỷ đồng – mức lợi nhuận quý I cao nhất sàn chứng khoán.
Lũy kế nửa đầu năm, VEFAC ghi nhận doanh thu thuần đạt 44.565 tỷ đồng và lãi sau thuế 15.250 tỷ đồng, lần lượt gấp 89.130 lần và 85 lần so với 6 tháng đầu năm 2024.
Năm 2025, VEFAC đặt mục tiêu doanh thu 44.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 16.000 tỷ đồng. Như vậy sau nửa đầu năm, công ty con của Tập đoàn Vingroup đã vượt 1% kế hoạch doanh thu và thực hiện được 95% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm ngày 30/6/2025, quy mô tài sản của VEFAC ở mức 36.243 tỷ đồng, giảm 68.864 tỷ đồng, tương đương 66% so với đầu năm.
Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh từ 66.836 tỷ đồng còn 17.771 tỷ đồng. Khoản hàng tồn kho, chủ yếu là dự án Vinhomes Global Gate và 148 Giảng Võ cũng giảm từ 22.157 tỷ đồng còn 3.796 tỷ đồng.
Đến cuối quý II, công ty vẫn có khoảng 11.000 tỷ đồng cho các đối tác vay dài hạn và phát sinh 8.060 tỷ đồng các khoản cho vay ngắn hạn. Số dư phải thu về cho vay tại ngày 30/6 khoảng 19.000 tỷ đồng với lãi suất 12%/năm. Lãi từ các khoản cho vay cũng là nguồn thu chính của VEFAC trong nhiều năm qua.
Về nguồn vốn, nợ phải trả đến cuối quý II của công ty cũng giảm từ 101.089 tỷ đồng (đầu năm) còn 24.221 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ đi vay khoảng 3.860 tỷ đồng, từ hai ngân hàng Techcombank và VietinBank. Ngoài ra, VEFAC còn đi vay từ các bên liên quan và đối tác khoảng 9.800 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 12.022 tỷ đồng tại ngày 30/6, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ, chủ yếu do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng vọt hơn 4 lần sau 2 quý, lên mức 10.350 tỷ đồng.
Trong quý II/2025, VEFAC đã thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 435% (tương đương 43.500 đồng trên mỗi cổ phiếu), tổng số tiền chi ra là 7.247 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ - Tập đoàn Vingroup ước tính nhận về 6.038 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nắm giữ khoảng 83,32% vốn.
Ở diễn biến khác, VEF cũng thông báo thay đổi nhân sự điều hành cấp cao. Theo đó, bà Nguyễn Thị Quý Phương, người giữ chức Tổng Giám đốc từ tháng 9/2024, thời điểm khởi công Trung tâm Triển lãm quốc gia đã được miễn nhiệm.
Người kế nhiệm là bà Trần Mai Hoa, một gương mặt dày dạn kinh nghiệm trong hệ sinh thái Vingroup. Bà từng giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc Vincom Retail (2014-2016), sau đó là CEO (từ 2017) và hiện đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vincom Retail từ tháng 4/2024. Việc điều chuyển này được xem là bước chuẩn bị cho một giai đoạn vận hành, khai thác thương mại mạnh mẽ hơn của VEF trong bối cảnh các siêu dự án sắp đưa vào hoạt động.
VEF hiện đang là chủ đầu tư hàng loạt dự án trọng điểm tại Hà Nội. Ngoài Trung tâm Triển lãm Quốc gia đã hoàn thành, doanh nghiệp còn đang triển khai tổ hợp 148 Giảng Võ, một trong những khu đất có giá trị bậc nhất thủ đô, cũng như siêu dự án đô thị Vinhomes Global Gate tại Đông Anh với tổng vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng.
© thitruongbiz.vn