Sân bay Long Thành khai thác giai đoạn 1 có nhu cầu gần 14.000 lao động, trong đó trình độ tiến sĩ là 5 người, thạc sĩ là 405 người, gần 6.000 người trình độ đại học, cao đẳng, lao động phổ thông là gần 2.000 người...
Ngày 13/3, Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức hội nghị đào tạo nguồn nhân lực vận hành Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Theo ACV, Sân bay Long Thành được quy hoạch là sân bay lớn nhất cả nước; cấp sân bay 4F (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), có chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, cạnh tranh với các sân bay lớn trên thế giới.
Bên cạnh công tác đầu tư xây dựng, công tác vận hành khai thác nhằm tích hợp đầy đủ cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ, quy trình quy chuẩn và nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt trong việc quyết định tính hiệu quả đầu tư của dự án.
Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026. Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, thông tin, sân bay Long Thành khai thác giai đoạn 1 có nhu cầu gần 14.000 lao động, trong đó trình độ tiến sĩ là 5 người, thạc sĩ là 405 người, gần 6.000 người trình độ đại học, cao đẳng, lao động phổ thông là gần 2.000 người...
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nhận định khi sân bay Long Thành vận hành chắc chắn sẽ thu hút nhân lực, nếu việc đào tạo được chuẩn bị tốt sẽ đảm bảo chất lượng và kịp thời. Do đó, địa phương này đã quy hoạch 1.000 ha để mời gọi các cơ sở đào tạo chất lượng cao.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai lưu ý UBND tỉnh, UBND huyện Long Thành phải ưu tiên cho người dân ảnh hưởng bởi dự án có việc làm. Không chấp nhận sân bay phát triển lên mà thanh niên ở địa bàn lại thất nghiệp, không vào làm việc được vì lý do không được đào tạo, không được học nghề, không được tuyển dụng.
"Họ phải được phát triển cuộc sống cùng với sự phát triển của sân bay, không được đẩy họ ra khỏi sự phát triển đó" – ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh cũng lưu ý trong quá trình đào tạo nhân lực trong sân bay cần quan tâm yếu tố ngoại ngữ, hiểu biết văn hoá, thái độ niềm nở thân thiện…
Theo Ban Chuẩn bị khai thác sân bay Long Thành cho biết đối với lao động phổ thông, yêu cầu tốt nghiệp THPT trở lên và có trình độ tiếng Anh tối thiểu TOEIC 300 hoặc tương đương trở lên.
Hiện nay có 25 đơn vị đào tạo, huấn luyện được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho Sân bay Long Thành cũng như cho cả đô thị Sân bay Long Thành rất quan trọng. Phải tạo cơ hội cho người dân địa phương, trước hết là người dân huyện Long Thành, bởi đây là những người đã giao đất, chấp nhận hy sinh một phần quyền lợi để xây dựng sân bay.
© thitruongbiz.vn