Mới đây, các nhà khoa học của Đại học Y và Nha khoa Tokyo đã phát hiện một loại biến thể Delta mới mang đột biến tương tự như biến thể Alpha.
Theo hãng tin Jiji Press dẫn nguồn từ Đại học Y và Nha khoa Tokyo cho biết, loại biến thể Delta mới này được phát hiện ở một bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại một bệnh viện thuộc trường đại học này vào đầu tháng 8.
Biến thể Delta mới vừa mang đột biến L452R giống như biến thể Delta thông thường, vừa mang đột biến N501S, tương đồng với đột biến N501Y trên biến thể Alpha. Bệnh nhân này chưa từng đi ra nước ngoài và mắc COVID-19 do tiếp xúc cộng đồng. Các nhà khoa học Đại học Y và Nha khoa Tokyo tin rằng nhiều khả năng đột biến N501S đã xảy ra ở Nhật Bản.
Các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện đột biến mới của biến thể Delta |
Theo hãng tin Jiji Press, cho đến nay, có 8 ca nhiễm biến thể Delta mới được ghi nhận ở bên ngoài Nhật Bản, nhưng vẫn chưa rõ mức độ lây lan của biến thể này.
Được biết, theo các nhà khoa học, cần có thêm các nghiên cứu khác mới biết được liệu đột biến mới có tác động tới sự lây lan hay độc tố của biến thể Delta hay không. Dù vậy, đối với biến thể Alpha thì đột biến N501Y giúp tăng độ bám của protein dằm của virus lên thụ thể ACE2 của tế bào cơ thể người, qua đó tăng khả năng lây lan của dịch COVID-19.
Trước đó ngày 26/8, hãng thông tấn Yonhap dẫn một nghiên cứu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, những bệnh nhân nhiễm biến thể Delta có tải lượng virus trong cơ thể cao gấp 300 lần so với những người nhiễm biến thể khác. Dù vậy, tải lượng này sẽ giảm từ 300 lần xuống còn 30 lần sau bốn ngày, còn hơn 10 lần sau chín ngày và giảm xuống bằng với nhiễm biến thể khác sau 10 ngày.
© thitruongbiz.vn