Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan đối ứng, mức thuế “đáp trả” với chính sách thuế mà các nước khác áp lên hàng hóa Mỹ, sớm nhất vào thứ Ba và có hiệu lực ngay lập tức. Đáng nói, các nền kinh tế châu Á đang áp dụng mức thuế nhập khẩu trung bình cao hơn so với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm thứ Sáu rằng ông sẽ công bố các mức thuế quan đối ứng – tức các mức thuế tương đương với thuế mà các nước khác áp lên hàng hóa Mỹ – sớm nhất vào thứ Ba và sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Dù chưa nêu rõ những quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng, ông ám chỉ đây sẽ là một biện pháp rộng rãi nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Dù chi tiết vẫn chưa được công bố, nhóm chuyên gia phân tích tại Barclays nhận định rằng “rất có thể Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với hầu hết các nền kinh tế mới nổi ở châu Á,” ngoại trừ Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) – hai nền kinh tế mà Mỹ đang có thặng dư thương mại.
Theo ước tính của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tính đến năm 2023, hầu hết các nền kinh tế châu Á áp dụng mức thuế nhập khẩu trung bình cao hơn so với Mỹ. Dẫn đầu là Ấn Độ với mức thuế trung bình đơn giản 17% đối với các quốc gia được hưởng quy chế tối huệ quốc (MFN), trong khi Mỹ chỉ áp dụng mức 3,3%. Hiện tại, Mỹ áp dụng quy chế MFN với hầu hết các nền kinh tế lớn, ngoại trừ Nga.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ, Trung Quốc dẫn đầu về thặng dư thương mại với Mỹ trong năm ngoái, đạt 295,4 tỷ USD, tiếp theo là Việt Nam với 123,5 tỷ USD, Đài Loan 74 tỷ USD, Nhật Bản 68,5 tỷ USD và Hàn Quốc 66 tỷ USD.
Việc các nền kinh tế này tạm thời tránh được thuế quan không có nghĩa là họ có thể an tâm. Tâm lý của người đứng đầu Nhà Trắng có thể thay đổi bất cứ lúc nào và các mức thuế vẫn có thể được áp đặt sau đó
Angrick cũng lưu ý rằng ngoại trừ Việt Nam, các quốc
gia còn lại đã được miễn trừ khỏi đợt đánh thuế đầu tiên của Trump nhờ mối quan
hệ an ninh sâu sắc với Washington cũng như các khoản đầu tư lớn vào Mỹ. Tuy
nhiên, ông cảnh báo rằng “họ không nên quá chủ quan.”
Việt Nam được xem là "một trong những nền kinh tế dễ tổn thương nhất" trước nguy cơ trở thành mục tiêu trong các biện pháp hạn chế thương mại của Trump, do thặng dư lớn với Mỹ và dòng vốn đầu tư đáng kể từ Trung Quốc, theo nhận định của chuyên gia kinh tế cấp cao Stefan Angrick.
Trump đến nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ phát biểu công khai nào về Việt Nam sau khi tái đắc cử vào tháng 11.
Trong những tháng gần đây, Việt Nam đã tích cực tìm kiếm các thỏa thuận với Mỹ để tránh căng thẳng thương mại. Vào tháng 11, Việt Nam cam kết sẽ mua thêm máy bay, khí hóa lỏng và nhiều sản phẩm khác từ Mỹ.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng gần 18% mỗi năm, đạt mức kỷ lục vào năm ngoái. Theo số liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức thuế trung bình đơn giản đối với các đối tác có quy chế tối huệ quốc (MFN) của Việt Nam là 9,4%. Đặc biệt, đồ uống và thuốc lá nhập khẩu vào Việt Nam chịu mức thuế trung bình lên tới 45,5%, trong khi các mặt hàng như đường và bánh kẹo, rau củ quả, quần áo và thiết bị vận tải phải chịu thuế dao động từ 14% đến 34%.
Tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ chuẩn bị các phương án ứng phó với khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu trong năm nay.
Việt Nam từng hưởng lợi lớn từ các rào cản thương mại mà Trump áp đặt lên Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, khi nhiều nhà sản xuất tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nhờ đó, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc.
Nếu Mỹ thực thi chính sách "đáp trả thuế quan toàn diện," mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị tăng gấp đôi lên 8%, theo Michael Wan, chuyên gia phân tích tiền tệ cấp cao tại MUFG Bank.
Tuy nhiên, ông dự báo Mỹ sẽ có cách tiếp cận ít cứng rắn hơn, với khả năng áp dụng thuế quan nhắm vào một số ngành cụ thể thay vì áp dụng trên diện rộng.
Ấn Độ có thể là quốc gia dễ tổn thương nhất trước các mức thuế "đáp trả" của Trump, do nước này áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng hóa Mỹ cao hơn nhiều so với mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa từ Ấn Độ, theo ước tính từ nhiều tổ chức nghiên cứu.
Theo chuyên gia Wen từ MUFG Bank, thuế quan của Mỹ đối với Ấn Độ có thể tăng từ mức 3% hiện tại lên hơn 15%. Để tránh rủi ro, trong ngân sách liên bang công bố đầu tháng này, chính phủ Ấn Độ đã giảm thuế nhập khẩu đối với một loạt mặt hàng, bao gồm xe máy, hàng điện tử, khoáng sản quan trọng và pin lithium-ion.
Chúng tôi muốn gửi thông điệp rằng Ấn Độ không phải là một quốc gia theo chủ nghĩa bảo hộ thuế quan.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có động thái sẵn sàng thảo luận về việc cắt giảm thuế quan trên nhiều lĩnh vực và mua thêm năng lượng cũng như thiết bị quốc phòng từ Mỹ trong cuộc gặp với Trump vào cuối tuần này.
Thặng dư thương mại của Ấn Độ với Mỹ – đối tác thương mại lớn thứ ba của nước này – đạt 45,7 tỷ USD vào năm ngoái. Đáng chú ý, các mặt hàng nông sản nhập khẩu vào Ấn Độ phải chịu mức thuế cao lên tới 39%.
Dưới thời Trump trong nhiệm kỳ đầu, quan hệ giữa ông và Modi tương đối tích cực. Tuy nhiên, trong chiến dịch tái tranh cử, Trump từng gọi Ấn Độ là "một kẻ lạm dụng thuế quan lớn."
Trong cuộc điện đàm với Modi tháng trước, Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Ấn Độ mua thêm thiết bị an ninh từ Mỹ nhằm hướng tới một mối quan hệ thương mại song phương cân bằng hơn, theo tuyên bố từ Nhà Trắng.
Một số nhà quan sát thị trường dự đoán hai bên có thể khởi động lại các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do Mỹ - Ấn Độ, một thỏa thuận đã bị trì hoãn từ lâu.
Trước đó, chính quyền Joe Biden được cho là đã từ chối mong muốn của Ấn Độ trong việc theo đuổi một thỏa thuận thương mại tự do, theo truyền thông địa phương dẫn lời Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ.
"Để có thể ký kết một hiệp định như vậy, New Delhi sẽ phải giảm đáng kể thuế quan, bởi mức thuế hiện tại của nước này cao hơn nhiều so với Washington. Trump tin vào nguyên tắc có đi có lại trong thương mại," theo Kenneth Juster, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng có thể đề xuất chuyển hướng nhập khẩu dầu từ Nga sang Mỹ nhằm phù hợp với kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu dầu khí của Trump, theo nhận định của Arpit Chaturvedi, cố vấn khu vực Nam Á tại Teneo.
Nhật Bản dường như đã thiết lập được mối quan hệ tích cực với Trump và có thể tạm thời tránh khỏi nguy cơ bị áp thuế cao hơn, theo nhận định của các chuyên gia. Thủ tướng Shigeru Ishiba cũng vừa kết thúc chuyến thăm ngắn nhưng quan trọng tới Washington vào cuối tuần qua.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Nhật Bản duy trì mức thuế nhập khẩu tương đối thấp, khoảng 3,7% đối với các quốc gia có quy chế Tối huệ quốc (MFN). Điều này cho thấy "không có nhiều khả năng thuế đối với hàng hóa Nhật Bản sẽ bị tăng mạnh", theo Kyohei Morita, chuyên gia kinh tế trưởng về Nhật Bản tại Nomura, nhận định trong một báo cáo hôm thứ Hai.
Trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tuần trước, Nhật Bản đã đồng ý nhập khẩu thêm khí đốt tự nhiên từ Mỹ và bày tỏ quan tâm đến một dự án vận chuyển khí hóa lỏng (LNG) qua đường ống từ miền Bắc Alaska.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng đạt được một thỏa thuận rằng thay vì mua lại U.S. Steel, tập đoàn Nippon Steel của Nhật Bản sẽ “đầu tư mạnh mẽ” vào công ty này. Theo Thủ tướng Ishiba, Nhật Bản sẽ cung cấp công nghệ để giúp U.S. Steel sản xuất các sản phẩm chất lượng cao hơn ngay tại Mỹ.
Nhật Bản, vốn đã là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Mỹ trong năm năm liên tiếp, cũng cam kết mở rộng tổng vốn đầu tư lên 1 nghìn tỷ USD, từ mức 783,3 tỷ USD vào năm 2023.
Dù Nhật Bản có thể không tránh được hoàn toàn tác động từ các chính sách thuế quan trong tương lai của Mỹ, Tokyo có khả năng sẽ không phải đối mặt với các biện pháp nhắm mục tiêu cụ thể như Canada, Mexico hay Trung Quốc. Thậm chí, Nhật Bản có thể được hưởng các điều kiện thương mại ưu đãi hơn so với các nền kinh tế lớn khác, vì nước này dường như đang giữ vị thế là một trong những quốc gia được Trump ưu ái nhất.
Tuần trước, Trung Quốc bị áp mức thuế bổ sung 10% trên diện rộng – đúng vào thời điểm Canada và Mexico được nới lỏng các biện pháp thuế quan.
Đáp trả lại, Trung Quốc đã triển khai các mức thuế mới đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ vào thứ Hai, sau khi có vẻ như nỗ lực sắp xếp một cuộc gọi giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Trump đã thất bại.
Các biện pháp đáp trả của Trung Quốc, bao gồm thuế 15% đối với than đá và khí đốt hóa lỏng từ Mỹ, cùng mức thuế 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp, ô tô và xe bán tải, được đánh giá là “khá thận trọng và có kiểm soát”.
Theo dữ liệu của Nomura, gói thuế này ước tính ảnh hưởng đến khoảng 13,9 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc trong năm 2024, chiếm 8,5% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ và chỉ 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Con số này thấp hơn đáng kể so với 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ bị nhắm đến trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, theo phân tích của Tommy Xie, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô châu Á tại OCBC Bank.
Cách tiếp cận “có điều chỉnh” này cho thấy Trung Quốc đang lựa chọn một chiến lược đối phó đa dạng hơn, không chỉ tập trung vào thuế quan mà còn sử dụng các biện pháp phi thuế quan như kiểm soát xuất khẩu và điều tra quy định đối với các tập đoàn Mỹ. Đồng thời, chính phủ nước này cũng “để ngỏ khả năng đàm phán thêm,” Xie nhận định.
© thitruongbiz.vn